Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan là yếu tố quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn
05:54 | 15/03/2016 Print   E-mail    

 

Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập là thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. 

Để triển khai thực hiện Nghị định 04/2015 Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở thành phố Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 12-KH/BCĐ.QCDC ngày 01/02/2016 về triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trên địa bàn thành phố Vũng Tàu năm 2016. Theo đó, mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị là: Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước; Phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hàng tháng, hàng quý và 6 tháng để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải thực hiện trong thời gian tới của cơ quan, đơn vị. Cuối năm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tổ chức đánh giá tổng kết hoạt động của cơ quan, đơn vị tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; Tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo trình tự, thủ tục quy; Lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức, viên chức.

Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện quy chế dân chủ là nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người phụ trách trực tiếp và trước người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị về việc thi hành nhiệm vụ của mình. Trong khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức được trình bày ý kiến, đề xuất việc giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình khác với ý kiến của người phụ trách trực tiếp, nhưng vẫn phải chấp hành sự chỉ đạo và hướng dẫn của người phụ trách trực tiếp, đồng thời có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Đối với viên chức được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật, được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao; Thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm túc, phát huy ưu điểm, có giải pháp sửa chữa khuyết điểm; thẳng thắn đóng góp ý kiến để xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Nghị định cũng quy định cụ thể những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị; Kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị; Kinh phí hoạt động hàng năm; quyết toán kinh phí hàng năm của cơ quan, đơn vị; tài sản, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị; kết quả kiểm toán; Giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị; Các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị… Ngoài ra nghị định cũng quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến; Những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra.

Có thể khẳng định phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị có vai trò quan trọng góp phần để cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị, với 03 tiêu chí và 20 thông số được BCĐ thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh BR-VT đưa ra là cơ sở để đánh giá xếp loại hoạt động thực hiện dân chủ tại các cơ quan, đơn vị hang năm./.

Bài: Lại Giang, BBT