Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Hội thảo xây dựng bộ tài liệu các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về biển đối khí hậu tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu
07:58 | 31/10/2013 Print   E-mail    

 

 
 
               Sáng ngày 30-10-2013, tại Khách sạn Công Đoàn (TP.Vũng Tàu), Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo xây dựng bộ tài liệu truyền thông về biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.Tới dự hội thảo có đại diện Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, các Sở ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu…
 
               Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Bà Rịa- Vũng Tàu là tỉnh ven biển được đánh giá sẽ chịu tác động mạnh của Biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Hơn 10 năm qua, tỉnh đã chịu tác động khá rõ rệt của BĐKH với 2 cơn bão lớn kế tiếp (tháng 11 năm 1997; tháng12 năm 2006) đã gây thiệt hại đáng kể về người và của. Tỉnh có bờ biển dài 156km là khu vực hết sức nhạy cảm với tác động BĐKH. Nước biển dâng cùng với triều cường, sóng lớn và gió bão gây hậu quả nghiêm trọng đối với vùng ven bờ, bồi lấp luồng lạch, cửa sông, ven biển của tỉnh.
 
Các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về BĐKH tại tỉnh.
Đại biểu dự Hội thảo
 
                Hội thảo là một phần trong nhiệm vụ “Tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.Việc gia tăng tình trạng thiếu nước, thời tiết cực đoan, suy giảm các hệ sinh thái… cũng là một cảnh báo đối với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Đặc biệt, tỉnh không có nguồn tài nguyên nước phong phú nên BĐKH sẽ làm thay đổi lượng mưa, tăng nhiệt độ, có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô. BĐKH cùng với nước biển dâng sẽ làm cho các nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp.Hiện tượng nhiễm mặn và ô nhiễm nước ngầm đã và đang xảy ra ngày càng tăng. Mỏ nước ngầm TP. Bà Riạ và huyện Tân Thành, nguồn cung cấp nước chủ yếu của tỉnh hiện nay có nhiều khá năng bị nhiễm mặn và mất khả năng cấp nước. Sự suy thoái tài nguyên nước do BĐKH sẽ tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
 
               Tại hội thảo, Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng Duyên Hải đã trình bày một số chuyên đề về: Phương pháp đánh giá tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH; tai biến môi trường và sự cố môi trường; hướng dẫn xây dựng khung kế hoạch hành động và các dự án thích ứng với BĐKH và kiến thức cơ bản về truyền thông BĐKH; kiến thức cơ bản về BĐKH; tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với tài nguyên và con người; BĐKH ở Việt Nam và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; chương trình quốc gia và chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH; công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và nghị định thư Kyoto.Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các chuyên đề được trình bày để xây dựng bộ tài liệu truyền thông về BĐKH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
 
                 Một trụ cột ứng phó với biến đổi khí hậu mà cộng đồng quốc tế đưa ra là giảm phát thải khí nhà kính, chuyển giao công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế ít cacbon, kinh tế xanh, Hiện Việt Nam đã tích cực tham gia  các hoạt động giảm phát thải, như thực hiện Cơ chế Phát triển sạch (CDM), thực hiện chuyển đổi công nghệ giảm phát thải, thực hiện các dự án năng lượng sạch và đang xây dựng Đề án Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ cacbon ra thị trường thế giới…
 
                Theo các chuyên gia, kinh tế xanh là nền kinh tế mà ở đó con người thích ứng và giảm tối đa những tác động đến môi trường, tài nguyên và khí hậu. Đây là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người, vừa đem lại công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.
 
                  Hội thảo còn nhấn mạnh đến vai trò của mỗi chúng ta trong công cuộc xây dựng nền kinh tế xanh bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu gia tăng ảnh hưởng.

Bài, ảnh: Tiến Loan
BBT.