An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Cần tạo nét văn hóa đẹp nơi công cộng
08:17 | 26/10/2015 Print   E-mail    

 

Văn hoá nơi công cộng là nếp sống văn minh, đạo đức cần được mọi người coi trọng, nhất là giới trẻ. Giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là một kỹ năng quan trọng đối với mỗi người. Có thể một người có hình thức thật nổi bật, cá tính thật hay, nhưng thiếu đi những kỹ năng ứng xử đúng mực trước mọi người, họ đã tự làm xấu đi hình ảnh của mình. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại một bộ phận giới trẻ đang dần quay lưng lại với những phong tục, nếp sống mẫu mực của cha ông.

Nhiều người vẫn biết, hút thuốc nơi cộng cộng là không được phép, không lịch sự, biết xả rác ra đường là hành vi xấu… nhưng vẫn làm, đặc biệt là khi không có ai nhìn thấy. Thậm chí ngay chốn đông người như ở ngã tư hay trên xe buýt, một số người vẫn cư xử thiếu văn hóa, như vượt đèn đỏ, tranh chỗ. Có lẽ họ nghĩ sẽ khó có dịp gặp lại lần thứ hai những người cùng ngồi chung xe, hay đứng tại ngã tư với mình, nên không việc gì phải “nhìn trước ngó sau”, giữ ý. Chuyện nói lời xin lỗi khi vô tình đụng phải người khác có lẽ với nhiều người là xa xỉ. Tại một ngã tư trên đường Lê Hồng Phong thành phố Vũng Tàu, mọi người vội dừng lại khi đèn đỏ bật sáng. Vừa chống chân xuống đường, bỗng nghe cô gái kêu thét lên. Nhìn sang thì thấy bánh trước xe máy của người đàn ông phía sau đã chèn lên gót chân cô. Không nói gì, cô vừa xuýt xoa vừa khó chịu quay lại nhìn người đã “quá tay ga”. Ngược lại với suy nghĩ của nhiều người, người chủ của chiếc xe máy ấy không tỏ thái độ gì, anh ta bình thản nhìn đi chỗ khác, coi đó như việc bình thường, tất phải xảy ra khi dừng xe. Đúng là “lời nói không mất tiền mua”, nhưng với nhiều người khó thốt ra được câu nói để làm vừa lòng nhau.

Bên cạnh những ưu điểm của người thành phố hiện đại, năng động thì vẫn còn hiện hữu thói quen ứng xử thiếu văn hóa ngay trong các cuộc họp, hay chốn đông người... Trong các cuộc họp hay hội nghị, ta thường thấy những người “vô tư” để kiểu chuông điện thoại mình ưa thích kêu rất to, dù trước đó đã được nghe lời đề nghị lịch sự của ban tổ chức nhắc nhở mọi người tắt điện thoại hoặc để theo chế độ rung. Thậm chí có người còn thản nhiên nói chuyện điện thoại oang oang trong cuộc họp như chốn không người. Thái độ bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người còn biểu hiện rõ ở việc nhiều người khi xem chương trình ca nhạc, dự cuộc liên hoan, thậm chí hội họp, mặc dù không biết nội dung thế nào nhưng hễ thấy không thích là bỏ ra về...

Có thể thấy rằng: Ý thức, lương tâm, tinh thần trách nhiệm là ba yếu tố hàng đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và ứng xử có văn hóa, nhưng khi ba yếu tố này không được xem trọng thì luật pháp phải can thiệp. Bởi ứng xử văn hóa là một hành vi không phải lúc nào cũng đến từ tinh thần tự nguyện. Chính vì vậy mà tại các nước tiên tiến, pháp luật quy định những khoản phạt rất nặng cho các hành vi vi phạm văn hóa, xâm hại đến quyền lợi của người khác và cộng đồng. Ngoài giáo dục ý thức thì xử phạt các vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng. Hơn nữa, giáo dục ý thức phải đi vào cộng đồng bằng các chương trình cụ thể, chứ không chỉ bằng văn bản và truyền thông thông thường.

Văn hóa đẹp nơi công cộng là việc làm không khó. Chỉ cần có hành vi đúng mực, đúng chuẩn là đủ. Mong rằng, mỗi người hãy tự ý thức được hành vi của mình để chung tay xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam văn minh, lịch thiệp./.

                                                                                       Bài: Lê Ngân, BBT