An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Cần quan tâm hơn đến con trẻ trong cuộc sống hiện đại
03:44 | 15/10/2015 Print   E-mail    

Cuộc sống hiện đại hôm nay, các bậc cha mẹ ngày đêm lao vào công việc mà nhiều người đã quên đi một vai trò vô cùng quan trọng của mình đó là việc giáo dục con cái. Nhiều trẻ em thời nay cũng đã và đang sa ngã vào những tệ nạn xã hội như ma túy, game online….Vậy một vấn đề cần đặt ra lúc này là các bậc phụ huynh cần quan tâm, giáo dục nhiều hơn nữa đến con trẻ.

Hình minh họa - ảnh từ nguồn Internet

Giáo dục con trong gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình lớn lên và hình thành nhân cách của trẻ. Trong thời đại đầy đủ tiện nghi vật chất ngày nay, nhiều trẻ bị cuốn vào nhịp sống nhanh với Internet, game online, những tệ nạn xã hội….Hơn ai hết, các em rất cần sự bảo ban, dạy dỗ, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống của các bậc làm cha, làm mẹ. Khác với giáo dục trong nhà trường là dựa vào trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh, ở gia đình việc dạy dỗ con cái diễn ra trên cơ sở tình cảm yêu thương và tin cậy lẫn nhau giữa cha mẹ và con. Chính vì vậy, những tác động của cha mẹ dễ được trẻ tiếp nhận hơn. "Cuộc sống tràn đầy tình yêu giữa những người ruột thịt là điều kiện tốt nhất để giáo dục cho trẻ tình cảm, đạo đức và trách nhiệm đối với mọi người, với những người thân - điều mà các tổ chức xã hội khác không thể làm được”.

Giáo dục trong gia đình Việt Nam không chỉ tác động mạnh mẽ ở giai đoạn ấu thơ của cuộc đời mỗi con người, vì con người Việt Nam gắn bó vô cùng chặt chẽ với đời sống gia đình nên có thể ảnh hưởng của giáo dục gia đình là hết sức to lớn, lâu dài suốt cả cuộc đời. Nó đặt cơ sở quyết định cho sự hình thành nền tảng nhân cách ở tuổi niên thiếu, thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện nhân cách ở tuổi thanh niên, củng cố, giữ gìn nhân cách ở tuổi trưởng thành và khi về già. Vì thế, giáo dục gia đình mang tính chất thường xuyên, lâu dài và có hệ thống chặt chẽ.

Trong gia đình cha mẹ nên là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Đây là nguyên tắc quyết định, có tầm quan trọng đặc biệt lớn lao đối với công tác giáo dục. Trẻ em rất nhạy cảm và hay bắt chước nên cha mẹ trước hết phải làm gương từ cử chỉ, lời nói đến việc làm... Cha mẹ cũng cần thống nhất nguyên tắc và phương pháp giáo dục trong gia đình. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm của những nhà giáo dục và các phụ huynh khác. Cần đặt gia đình trong hệ thống giáo dục chung của xã hội, phối hợp chặt chẽ với các thiết chế xã hội khác như nhà trường, các tổ chức xã hội… để giáo dục con em với tinh thần chủ động. Có như thế cha mẹ mới làm tròn nhiệm vụ, vai trò của mình.

Các bậc phụ huynh hãy luôn nghĩ rằng, yêu thương con vô điều kiện, dù con là đứa trẻ bình thường hay khuyết tật, dù con đẹp hay xấu, dù con năng động hay chậm chạp. Cha mẹ cần coi mỗi đứa con là một bản thể duy nhất, độc đáo và có giá trị riêng, tránh so sánh con với bất kỳ ai hay đối xử phân biệt giữa đứa con này với đứa con khác. Cha mẹ cần nắm vững đặc điểm riêng của từng đứa con, đặc biệt về vấn đề tâm sinh lý, nguyện vọng, sở trường, khả năng nhận thức… để có phương pháp giáo dục phù hợp. "Dạy con từ thuở còn thơ", cha mẹ nên giáo dục trẻ từ sớm với thái độ nghiêm khắc nhưng tôn trọng; bao dung, độ lượng và yêu thương đúng mực; biết biểu dương, khen ngợi trẻ để chúng tự điều chỉnh bản thân. Cha mẹ cần biết hướng dẫn cho con lao động vừa sức và hợp lý, biểu dương kỹ năng lao động tốt, động viên tinh thần yêu lao động, sáng tạo, dạy phương pháp lao động tư duy (học tập), biết kết hợp học và hành. Tổ chức và sinh hoạt gia đình hòa thuận, dân chủ, tránh thiên vị hay lấy uy quyền của người lớn mà ép buộc trẻ. Ép sẽ khiến trẻ bị ức chế, có thể tuân thủ mệnh lệnh nhưng trong lòng không phục.

Hơn ai hết, cha mẹ phải nghiêm túc trong việc dạy bảo con cái. Ý thức được trách nhiệm làm cha mẹ là quan trọng và không thể thay thế. Họ cần có định hướng để chủ động và phá huy tính sáng tạo nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. Các bậc làm cha mẹ cần trang bị, nâng cao kiến thức và khả năng giáo dục. Cha mẹ là người có quyền tác động đến sự phát triển và định hướng con người trong tương lai của con mình. Nếu giáo dục không có định hướng, đứa trẻ không phát huy được khả năng của mình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ định hướng một cách chủ quan theo kỳ vọng và ý thích, đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy căng thẳng, tự trách, suy sụp tinh thần và thể chất, oán hận và trách cứ cha mẹ. Để đạt hiệu quả, đòi hỏi việc định hướng phải dựa vào khả năng thực tế của đứa trẻ. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương.

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Chính vì vậy, những người làm cha mẹ cần quan tâm, giáo dục nhiều hơn tới con trẻ để có một gia đình hạnh phúc, đất nước phồn vinh./.

                                                                                     Bài: Lê Ngân, BBT