An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
05:58 | 04/10/2013 Print   E-mail    

 
           Thời gian vừa qua, tình hình bệnh viêm kết mạc cấp (VKMC) hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ diễn biến phức tạp và đã bùng phát trên các tỉnh thành trong cả nước. Tại chuyên khoa mắt các bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 8/2013 có 1.123 ca đau mắt đỏ nhưng sang đầu tháng 9/2013 đã có trên 1.000 ca đến khám; tại bệnh viện Lê Lợi (Vũng Tàu) từ đầu tháng 9/2013 đến nay đã có 1.739 ca mắc. Hiện nay, thời tiết đang trong thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường, cùng với thời điểm bước vào năm học mới là điều kiện thuận lợi để dịch đau mắt đỏ lan rộng.
 
           Theo các bác sĩ tại Trung tâm TT-GDSK tỉnh BR-VT, bệnh VKMC do nhiều nguyên nhân gây nên như: nhiễm trùng, dị ứng, hóa chất hoặc các tác nhân vật lý…nhưng hay gặp nhất là do vi trùng và virut với các biểu hiện khác nhau. Bệnh có thể xuất hiện vào tất cả các thời điểm trong năm nhưng thường có những đợt bùng phát thành dịch, nhất là vào thời điểm giao mùa. Bệnh VKMC thường xuất phát từ trẻ nhỏ, sau lây lan sang các bạn và người thân với các biểu hiện như: cộm xốn, ngứa mắt, sung đỏ mí mắt và kết mạc, chảy rỉ ghèn và nước mắt, nhất là vào buổi sáng, khiến trẻ khó chịu, phải thường xuyên dụi mắt. Một số trường hợp có thể nổi hạch trước tai và đau, ho, sổ mũi, khò khè….Bình thường bệnh sẽ giảm dần và hết sau 5-7 ngày. Nhưng nếu để bị biến chứng có thể gây loét giác mạc rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới thị lực lâu dài.
Bệnh VKMC chủ yếu lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với rỉ ghèn của bệnh nhân hoặc qua các vật dụng trung gian như khăn mặt, chậu rửa, ly chén…Bệnh cũng lây qua hơi thở và nước bọt người có mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi…Do vậy, bệnh có thể lây lan thành dịch ở những nơi tập trung đông người như: trường học, ký túc xá, doanh trại…. Đặc biệt, có một hình thức lây lan rất nhanh đó là qua nước hồ bơi. Nếu một bệnh nhân bị VKMC đi tắm hồ, vi trùng, virut gây bệnh sẽ tồn tại trong nước một thời gian và lây truyền cho những trẻ em khác. Có một điều cần nhấn mạnh rằng, bệnh không lây qua việc nhìn vào mắt bệnh nhân, vì vậy việc đeo kính chỉ giúp người bệnh bớt chói mắt, bụi bặm và khó chịu chứ không ngăn chặn được sự lây lan như dân gian thường quan niệm trước đây.
 
(hình minh họa)
 
               Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh VKMC, để chủ động kiểm soát, khống chế không để dịch bùng phát, lây lan nhanh trong cộng đồng; UBND thành phố Vũng Tàu đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương cần chủ động phối hợp tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông về dịch đau mắt đỏ và các biện pháp phòng ngừa để người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tránh lây lan trong cộng đồng. Đối với các trường học, cần thông báo đến các giáo viên chủ nhiệm, chủ các cơ sở mầm non, phụ huynh biết về tình hình dịch đau mắt đỏ, biện pháp giám sát cách ly, hoặc cho nghỉ học khi có học sinh có biểu hiện của bệnh để tránh lây lan; lồng ghép đưa những kiến thức về đau mắt đỏ trong các buổi sinh hoạt tập thể, giáo dục công dân…
 
             Ngoài các biện pháp của cơ quan chức năng, mỗi người dân nên chủ động phòng ngừa và điều trị về bệnh VKMC theo hướng dẫn của các bác sĩ như: đối với người bệnh: không dụi tay bẩn lên mắt, rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế bắt tay và tiếp xúc trực tiếp; đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc gần hoặc chăm sóc trẻ nhỏ; nên lau ghèn và nước mắt bằng giấy cotton ẩm, và chỉ dùng một lần; dùng riêng đồ dùng cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, ly chén…giặt drap giường, vỏ gối, khăn mặt bằng các dung dịch sát khuẩn, phơi khô và ủi nóng. Đối với những người khác trong gia đình: không nên hôn hít, ôm ấp, ngủ chung với người bệnh, ngay sau khi chăm sóc và nhỏ thuốc cho người bệnh phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô rồi mới chăm sóc cho mình và người khác; Tuyệt đối không được sử dụng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho mình và người khác, điều này nguy hiểm vì sẽ gây lây nhiễm chéo và tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc. Đối với trường học: khi có trẻ đau mắt cần cho nghỉ học và cách ly tại nhà từ 3-5 ngày để tránh lây lan; tăng cường công tác vệ sinh, hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay và không dụi tay bẩn lên mắt; đối với các trường nội trú, bán trú không cho học sinh dung chung đồ dung cá nhân và ngủ chung giường, nhất là trong mùa dịch đau mắt; các cô giáo, bảo mẫu cũng cần phải lưu ý rửa tay thường xyên và đeo khẩu trang mỗi khi chăm sóc cho trẻ, nếu cô giáo bị mắc bệnh cũng phải cắch ly và nghỉ ít nhất 3-5 ngày để tránh lây cho học sinh…
 
Bài: Dung Đoàn
BBT.