Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Thay đổi cách quản lý đất đai trong điều kiện biến đổi khí hậu
06:34 | 26/07/2015 Print   E-mail    

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh BR-VT. Theo dự báo, TP. Vũng Tàu là một trong những địa phương ven biển của tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất do BĐKH. Do đó, quản lý đất đai như thế nào đang là bài toán cần được giải quyết trong bối cảnh BĐKH hiện nay.
 
Thống kê vào thời điểm năm 2010 cho thấy, TP. Vũng Tàu có diện tích đất tự nhiên là 15.002,75ha. Trong đó, đất phi NN chiếm diện tích lớn nhất: 7.799,97ha. TP. Vũng Tàu được đánh giá là đô thị trung tâm của tỉnh BR-VT, đồng thời là một đô thị cấp vùng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vũng Tàu theo quy hoạch còn là trung tâm công nghiệp, dịch vụ khai thác dầu khí và dịch vụ du lịch của cả nước. Những năm qua, Vũng Tàu có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa cao, có vai trò và vị thế quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh cũng như với vùng. Do vậy, việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng 5 năm kỳ đầu (2011-2015) là nhằm phân bổ các chỉ tiêu của cấp tỉnh, phân khai chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp phường, xã; đồng thời bố trí sử dụng đất hợp lý phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai theo luật định, là căn cứ để bố trí sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
 
Description: C:\Users\Admin\Downloads\quan ly dat dai bdkh.jpg
Do BĐKH, diện tích đất ở khu vực Trại Nhái (phường 12, TP. Vũng Tàu đang có nguy cơ bị nước biển cuốn trôi
 
Theo quy hoạch này, diện tích đất NN năm 2010 là 7.129,37ha đến năm 2020 sẽ giảm 4.619ha. Diện tích đất NN giảm chủ yếu tập trung ở phường 11, phường 12 và xã Long Sơn. TP.Vũng Tàu cho  rằng, việc quy hoạch giảm diện tích đất NN chuyển sang đất phi NN là phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong việc chuyển mục đích sử dụng đất đó, TP. Vũng Tàu vẫn ưu tiên giữ lại đất trồng cây lâu năm để tạo cảnh quan và bóng mát cho thành phố; duy trì đất rừng phòng hộ khu vực phường 1, phường 12, xã Long Sơn và đất nuôi trồng thủy sản khu vực phường 12 và xã Long Sơn để cân bằng môi trường và phát triển du du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, TP. Vũng Tàu cũng định hướng phát triển vùng cây ăn trái đặc sản của thành phố như cây nhãn, mãng cầu; đồng thời cải tạo các vườn tạp lớn thành vùng cây ăn quả để gắn với du lịch sinh thái vườn.
 
Còn theo thống kê của Sở TN-MT, hiện nay, diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 198.952ha, trong đó, đất NN chiếm 137.082ha (tính đến năm 2013). Khi so sánh số liệu từ kết quả của hai đợt tổng kiểm kê đất đai gần đây vào năm 2005 và 2010 của tỉnh cho thấy diện tích đất NN giảm đáng kể do chuyển sang các mục đích đất phi NN. Và theo quy hoạch quản lý đất đai (QLDĐ) của tỉnh, đến năm 2020 diện tích đất NN của tỉnh là 118.304ha, chiếm 59,46% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đối với đất phi NN, theo quy hoạch, đến năm 2020 có 80.360ha, chiếm 40,39% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Tính cả thời kỳ 2011-2020 sẽ có 30.099ha đất NN chuyển sang đất phi NN do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh cùng với việc xây dựng mới các CCN, tiểu thủ công nghiệp; hình thành các khu du lịch, khu vui chơi giải trí; phát triển hạ tầng giao thông… trên địa bàn tỉnh.
 
Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh cho biết, BĐKH và nước biển dâng tại BR-VT sẽ tác động đến các nguồn tài nguyên môi trường đất, nước và sự đa dạng sinh học. Khu vực chịu nhiều tác động nhất là ở các dải ven biển. Do đó, ngoài tập trung vùng trọng yếu, để thích ứng với BĐKH, BR-VT đang có những biện pháp bảo vệ vùng bờ và các cửa sông, cửa biển. Theo đó, xây dựng đê kè là giải pháp quan trọng đối với các vùng ven biển để chống BĐKH và nước biển dâng. Trồng cây ở những bãi bồi, vùng ngập nước ven biển cũng được xem là giải pháp quan trọng để giữ đất ở những vùng ven TP. Vũng Tàu, TP.Bà Rịa, huyện Tân Thành, Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc. Đây là những vạt rừng ngập mặn bảo vệ chống xói lở và là vùng sinh quyển quý giá bảo đảm sự trong lành cho phát triển du lịch và sức khỏe của người dân…
 
Giáo sư Rajb Shaw, trường Đại học Kyoto Nhật Bản nhận định, Việt Nam đang được cảnh báo có khả năng bị ảnh hưởng rất lớn từ BĐKH và nước biển dâng. Theo thông báo của Liên Hiệp Quốc, trong thế kỷ XXI Việt Nam là một trong 5 nước của khu vực Đông Á sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ BĐKH, đặc biệt ảnh hưởng tới đất đai và môi trường. Tại BR-VT, BĐKH cũng đã có những ảnh hưởng rõ rệt như tình trạng xói lở bờ biển ở khu vực Trại Nhái (phường 12, TP. Vũng Tàu), khu vực biển Bình Châu (huyện Xuyên Mộc)... Nếu như trong QLĐĐ và QHSDĐ 15-20 năm trước chúng ta chưa đặt trong bối cảnh BĐKH thì nay BĐKH là vấn đề bức thiết mà BR-VT cần phải có chính sách cụ thể. Theo đó, địa phương phải tính toán và QHSDĐ sao cho cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Có như vậy, địa phương mới giảm bớt được những rủi ro do BĐKH mang lại.
 
Bài, ảnh: HOA HẠ
BBT.