An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tính đến chuyện phân loại rác
01:34 | 12/07/2015 Print   E-mail    

 
Ông Phan Quang Tuấn, Giám đốc Công ty Môi trường tỉnh, việc phân loại rác tại nguồn ở nhiều nước trên thế giới đã được thực hiện cách đây vài chục năm. Tại Việt Nam việc phân loại rác tại nguồn mới được nhắc đến cách đây dăm năm và hiện vẫn còn dưới dạng thí điểm ở một vài thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai… Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang tính đến phương án này.
 
Theo báo cáo của Sở TN-MT, hiện lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) trên địa bàn tỉnh là hơn 761 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 65%; khu vực nông thôn chiếm 35%. Lượng rác phát sinh lớn nhất là TP. Vũng Tàu với 328 tấn/ngày (chiếm 43%). Các loại RTSH hiện nay chủ yếu được chôn lấp theo công nghệ vi sinh compost hợp vệ sinh tại bãi chôn lấp của Kbec Vina (Khu xử lý chất thải tập trung 100ha xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành). Còn lại, vẫn phải chôn lấp tạm thời (đào hố, cho rác xuống rồi lấp đất lên). BR-VT hiện chưa có các hệ thống nhà máy xử lý các loại RTSH sau khi đã phân loại. Vì vậy, nếu thực hiện được phân loại tại nguồn mà không có nhà máy xử lý, tái chế thì vô hình chung, việc làm trên chỉ làm mất công mà không được việc. “Hơn nữa, khó khăn nhất hiện nay vẫn là làm sao để thay đổi thói quen của người dân, giúp họ cùng các cơ quan chức năng thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Để làm được điều đó cần có cả một quá trình dài”, ông Tuấn nói.
 
Description: C:\Users\Admin\Downloads\phan loai rac 1.jpg
Thu gom rác thải sinh hoạt tại TP. Vũng Tàu
 
Theo Công ty Môi trường, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhưng phân loại rác tại nguồn vẫn là kế hoạch lâu dài phải thực hiện được. Bởi phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trước hết là về môi trường, khi giảm khối lượng RTSH phải chôn lấp thì khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt... Song song đó, việc phân loại rác tại nguồn cũng góp phần là hạn chế hiệu ứng nhà kính do khí của bãi chôn lấp. Về mặt xã hội, phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Về góc độ kinh tế, phân loại rác tại nguồn sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu sạch để sản xuất phân compost bởi phần lớn RTSH đô thị có khả năng tái sinh, tái chế như nylon, thủy tinh, nhựa, giấy, kim loại, cao su... Theo phân tích của Công ty Môi trường tỉnh, nếu biết tận dụng, việc phân loại rác tại nguồn sẽ mang lại nguồn lợi hàng chục tỷ đồng nhờ giảm chi phí chôn lấp rác và bán phân compost đồng thời giảm được gánh nặng chi phí trong việc xử lý mùi và nước rỉ rác.
 
Do đó, quy hoạch quản lý RTSH theo hướng bền vững, lâu dài là việc phải tính đến. Ngoài phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh như Công ty TNHH Kbec Vina, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tính đến những phương án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng, chế biến phân hữu cơ. Quản lý chất thải rắn (trong đó có chất thải sinh hoạt) được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững; giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải xử lý. Theo đó, Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ: Khu xử lý chất thải tập trung 100ha tại xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) sẽ tập trung xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, tái chế phế thải, phế liệu và chôn lấp các chất thải không thể xử lý bằng công nghệ khác. Khu xử lý Láng Dài (huyện Đất Đỏ) diện tích 20ha sẽ xử lý rác sinh hoạt cho TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ bằng công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng và xử lý khí thải; Khu xử lý Phước Hoà (huyện Tân Thành) diện tích 14,7ha sẽ xử lý rác sinh hoạt cho TP. Bà Rịa, huyện Tân Thành và huyện Châu Đức bằng công nghệ chế biến phân hữu cơ. Ngoài ra, tỉnh còn có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình phân loại rác tại nguồn; có cơ chế hình thành và phát triển các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, đốt và chôn lấp, sản xuất phân compost từ chất thải rắn… nhằm hướng đến một môi trường xanh, trong lành hơn và giảm bớt những nỗi lo từ rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt.
 
Bài,  ảnh: Hoa Hạ
BBT.