Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Tháng 7 – Tháng tri ân các anh hùng Thương binh, Liệt sỹ
02:56 | 09/07/2015 Print   E-mail    

Hướng đến kỷ niệm 68 năm ngày thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2015)
 
Tháng 7 – Tháng tri ân các anh hùng Thương binh, Liệt sỹ
----------------
 
Hàng năm, cứ vào tháng bảy, những người con đất Việt lại thể hiện những việc làm thiết thực để tri ân các anh hùng thương binh, liệt sỹ đã hy sinh máu thịt của mình để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc, cho nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau.
 
­­
Chúng tôi là những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua trang sử hào hùng chúng tôi luôn tự hào về các anh. Các anh ra đi để lại sự hòa bình cho Tổ quốc. Những lần đến viếng đền thờ các anh hùng liệt sỹ là từng ấy lần tôi không thể không rơi lệ, giọt nước mắt để tưởng nhớ về những người đã quên mình để bảo vệ cho Tổ quốc. Thương lắm khi trên đất nước này thân xác các anh đã không còn nguyên vẹn, từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời. Thương lắm, những cánh thư viết vội cho người thân của các anh chưa tìm được địa chỉ…. Hầu hết các anh đã tiên đoán được cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng các anh vẫn tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời vì các anh biết rằng mình đã góp được phần nhỏ bé để bảo vệ cho Tổ quốc thân yêu, cho người thân được an toàn. Và trong thâm tâm các anh luôn chắc chắn một điều rằng rồi đây nước nhà sẽ độc lập – ngày ấy sẽ không còn xa.
 
Mỗi năm cứ đến ngày 27 tháng 7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến các anh hùng thương binh, liệt sỹ và thêm tự hào về bước phát triển của công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cứ đến những ngày này mỗi người dân Việt Nam lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thươngbinh, bệnh binh đã hy sinh xương máu của mình, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Biết bao người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, hay để lại một phần thân thể, đã hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹp, như anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: "Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...". 
 
http://tcdulichtphcm.vn/home/cache/multithumb_thumbs/c_536_401_16777215_00_images_stories_20_1_24_1_4.Dai_liet_si_TpVung_Tau.jpg
Đài tưởng niệm Liệt sỹ thành phố Vũng Tàu
 
Nhân dịp này Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND thành phố Vũng Tàu xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân của họ, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các Ban , ngành, đoàn thể, các cấp ủy chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực cụ thể để tất cả người có công và nhân thân của họ đều được quan tâm, chăm sóc, ổn định về vật chất, động viên về tinh thần.
            
68 năm trôi qua (27/7/1947 – 27/7/2015),  hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền, đài liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chăm lo. Hệ thống cơ sở vật chất cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng được tăng cường. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên dần. Đến nay, hầu hết những người có công và thân nhân, con em người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa," chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội./.
                                                                                             
Bài, ảnh:  Lê Ngân
BBT.