Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Múa: Khó từ phong trào đến chuyên nghiệp
02:41 | 09/07/2015 Print   E-mail    

 
Diễn viên múa quần chúng không có nhiều dịp để biểu diễn; diễn viên múa chuyên nghiệp thì vừa thiếu, vừa khó trẻ hóa; các tiết mục múa do không có kinh phí nên không được đầu tư đúng mức… Làm thế nào để phát triển phong trào múa cả chuyên nghiệp lẫn múa phong trào trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn là nỗi trăn trở với những người gắn bó với nghề múa.
 
Biên đạo múa Trương Công Lý cho rằng, nghề múa là nghề nghiệt ngã bởi các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp phải dày công khổ luyện, nếu không có sự yêu nghề thì rất dễ bỏ cuộc. Trước khi trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp, ngoài thời gian học các môn văn hóa, trung bình các sinh viên chuyên ngành múa phải tập trên sàn múa từ 8- 10 tiếng/ngày. Không chỉ vất vả tập luyện, các diễn viên múa phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe như: năng khiếu, hình thể, sức khoẻ, thanh sắc… và chế độ ăn uống, tập luyện cũng rất nghiệt ngã, đặc biệt phải có độ dẻo cơ thể, cảm thụ âm nhạc tốt và có khả năng để tưởng tượng ra các động tác múa theo yêu cầu của biên đạo, để ứng biến với những trường hợp có thể xảy ra trên sân khấu. Những tai nạn như bong gân, trật đầu gối, giãn dây chằng, rách cơ là chuyện bình thường. Có trường hợp còn bị gãy xương, rạn xương khiến nhiều nghệ sĩ múa bỏ nghề. Mặc dù không có quy định độ tuổi cho các nghệ sĩ múa nhưng tự các nghệ sĩ sẽ cảm nhận được ở tuổi nào thì họ không còn có thể đứng trên sân khấu được nữa. Ngoài 30 tuổi ai cũng phải lo thu xếp cho mình một công việc khác, có người đi học thêm để trở thành biên đạo múa, người trở về địa phương làm cán bộ phong trào, cũng có người chuyển hướng sang kinh doanh…
                              
Các nghệ sĩ múa Đoàn ca múa nhạc tỉnh 
 
Tại Đoàn ca múa nhạc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại đang tồn tại một thực tế khó khăn hơn là nghệ sĩ múa trẻ thì ít nên không có lực lượng để thay thế cho những nghệ sĩ ngoài 30 tuổi. Theo một nghệ sĩ múa, diễn viên trẻ, đẹp, có trình độ chuyên môn vững thường chọn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương hoặc các tỉnh, thành lớn hay được nhận làm việc cho các doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt. Trong khi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu muốn thu hút các diễn viên múa chuyên nghiệp nhưng các đơn vị hoạt động nghệ thuật trên địa bàn tỉnh lại không có những chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân tài. Nhiều nghệ sĩ múa đã đến Bà Rịa – Vũng Tàu rồi cũng phải rời bỏ mảnh đất này để ra đi tìm đất sống. Việc trẻ hóa đội ngũ diễn viên múa ở các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp như Đoàn ca múa nhạc tỉnh, Đội thông tin lưu động tỉnh lại càng khó khăn…
 
Ở tuổi ngoài 40, không còn thích hợp để đứng trên sân khấu để biểu diễn, thế nhưng tình yêu nghề vẫn chưa bao giờ tắt với những người đam mê múa thật sự. Nghệ sĩ Quý Ngân cũng vậy, chị lui về làm nghệ thuật phong trào với vai trò là chủ nhiệm CLB múa thiếu nhi Sao Biển sau nhiều năm cống hiến trên sàn múa chuyên nghiệp.
 
Đã múa, đã tham gia liên hoan hội thi hội diễn thì cần phải có trang phục phù hợp với các tiết mục nên Quý Ngân lại phải đầu tư thêm trang phục, đạo cụ để vừa phục vụ cho những lần biểu diễn của các em thiếu nhi trong CLB múa Sao Biển. Vậy rồi trong nhà Quý Ngân hẳn những tủ trang phục với đầy đủ màu sắc, kiểu dáng từ những bộ áo bà ba, quần áo của người tù, những bộ áo dài thướt tha, những trang phục dân tộc đến những bộ váy xinh xắn… Thậm chí những loại đạo cụ đi liền với những tiết mục múa như dù, quạt, nón quai thao, guốc mộc… cũng được trưng bày phong phú. Chị mơ ước sẽ có một sân khấu nhỏ biểu diễn tại Vũng Tàu để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, đến nay việc tìm “đầu ra” cho các tác phẩm múa của chị cũng gặp không ít khó khăn bởi công sức, tiền của đầu tư cho một CLB múa thì nhiều nhưng ở Bà Rịa – Vũng Tàu lại thiếu đất diễn. Với một CLB múa không chuyên như Sao Biển để biểu diễn, thu được tiền lại càng không dễ. Vậy là chị phải tự lo cho CLB Sao Biển bằng cách bỏ tiền túi ra may quần áo, mua quà rồi thực hiện những chuyến lưu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu vùng xa, các em thiếu nhi mồ côi, khuyết tật… để đưa hình ảnh của CLB đến gần hơn với công chúng.
 
Nghệ sĩ múa Kim Anh phàn nàn: “Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phong trào nghệ thuật quần chúng, tôi nhận ra rằng diễn viên múa quần chúng không có nhiều dịp để biểu diễn. Hơn nữa, các hoạt động phong trào thường thì nguồn kinh phí rất eo hẹp nên nhiều khi không đủ sức để sáng tạo, mà có sáng tạo ra cũng không có điều kiện để thuê trang phục, mua sắm đạo cụ và dàn dựng hoành tráng….”. Phong trào múa quần chúng đôi khi rơi vào bế tắc nên nhiều đơn vị đi dự liên hoan, hội thi, hội diễn ai cũng hô vang khẩu hiệu “cây nhà lá vườn”. Trong khi đó, đời sống càng cao, người dân và du khách càng đòi hỏi những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Nghệ thuật múa của quần chúng đã khó khăn lại càng khó phát triển cao hơn.
 
Bài, ảnh: YẾN NHI

BBT.