An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tâm sự nhạc sĩ viết bài hát cho thiếu nhi
09:11 | 29/05/2015 Print   E-mail    

HƯỚNG TỚI NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1-6:
Tâm sự nhạc sĩ viết bài hát cho thiếu nhi
---------------
 
Viết cho thiếu nhi có thể đơn giản trong khúc thức, kết cấu, dễ nghe, dễ hát nhưng lại khó ở chỗ là làm sao cho các em thích hát. Hơn nữa, những tác phẩm viết cho thiếu nhi phải mang tính giáo dục cao; phải nuôi nấng được tâm hồn các em, gieo vào tâm hồn tuổi thơ tình yêu ông bà, cha mẹ, yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống quanh mình và ra sức học tập… Đó là tâm sự chung của nhiều nhạc sĩ viết ca khúc về thiếu nhi.
 
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng và các em thiếu nhi TP. Vũng Tàu biểu diễn một ca khúc thiếu nhi sôi động tại Quảng trường Trưng Vương
 
Nhạc sĩ Hoàng Lương, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là người có nhiều ca khúc viết về thiếu nhi với những tác phẩm như: Vầng trăng quê, Ước mơ trăng, Mùa hè ơi, Búp bê xinh, Mưa trong vườn nhà, Vũng Tàu thành phố của em, Có những con đường … Nhạc sĩ Hoàng Lương chia sẻ, viết cho lứa tuổi thiếu nhi không dễ, bởi tác phẩm của mình không chỉ phải làm sao cho các bé thích mà còn phải để người lớn cũng thấy thú vị. Một số tác giả xem thường loại sáng tác này vì họ nghĩ rằng nó thấp kém, vụn vặt, khó giúp tác giả thành đạt.
 
Trong số đội ngũ sáng tác âm nhạc ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Nguyễn Ngọc Hữu, được xem là tác giả trẻ có nhiều sáng tác cho thiếu nhi. Trước khi trở thành cán bộ phòng nghiệp vụ Nhà Văn hóa – Thanh niên anh đã có thời gian công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh, anh đã gắn bó với rất nhiều chương trình ca múa nhạc dành cho các em. Anh bắt đầu viết thể loại nhạc này từ năm 2005 nhưng đến nay chỉ được hơn 10 ca khúc mà anh cảm thấy hài lòng như: Vầng trăng mơ ước, Chú voi vui tính, Em học nhạc, Cậu cóc, Cún con… Ngọc Hữu cho biết, muốn viết được những ca khúc dành cho thiếu nhi thì cần phải hòa đồng với các em, nắm bắt được tâm lý của các em để sử dụng lời lẽ của các em trong ca khúc. Mỗi năm, các em thiếu nhi có nhiều đợt biểu diễn dành riêng cho lứa tuổi của mình như: Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… Đó là chưa kể rất nhiều các đợt hội thi, hội diễn và các chương trình nghệ thuật khác cũng cần đến các tiết mục biểu diễn của các em nên có những ca khúc hay viết cho lứa tuổi các em là niềm vui lớn với các nhạc sĩ.
 
Nhạc sĩ Duy Long, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: “Cũng như thực trạng chung về tình hình sáng tác âm nhạc của cả nước, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều năm qua ca khúc viết cho thiếu nhi cũng như thị trường băng đĩa dành lứa tuổi này chưa thật sự sôi động. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu số lượng các ca khúc viết cho thiếu nhi không nhiều trong khi nhu cầu thưởng thức âm nhạc của các em rất lớn.Sở dĩ ít có ca khúc viết cho thiếu nhi vì chúng tôi có sáng tác thì cũng có rất ít buổi ra mắt công chúng. Những ca khúc viết cho thiếu nhi, các ấn phẩm bằng âm thanh lại càng hiếm hoi. Ngoài ra, các tụ điểm văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đều ít khi dùng những ca khúc mới do chúng tôi sáng tác; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh cũng chưa có chương trình tác giả, tác phẩm và chương trình văn nghệ địa phương định kỳ nào để làm động lực giúp nhạc sĩ viết nhiều hơn ca khúc cho thiếu nhi”.
 
Nhạc sĩ Hoàng Lương cũng bày tỏ, nhu cầu ca hát cũng như được thưởng thức văn hoá văn nghệ của trẻ em không hề nhỏ, nhưng lâu nay chúng ta không có sự đầu tư thực sự cho lĩnh vực này. Muốn có những sáng tác hay cho thiếu nhi không chỉ cần phải có sự chung tay của các nhạc sĩ chuyên nghiệp, tâm huyết mà còn cần sự hỗ trợ của các đơn vị như Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh... để phổ biến ca khúc đến với các em.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.