An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Vấn đề an toàn thực phẩm là một thách thức tại nhiều nước trên thế giới
07:01 | 11/04/2015 Print   E-mail    

 

Tại Trung Quốc, nhà máy Shanghai Husi Food đã trở thành tâm điểm của vụ bê bối an toàn thực phẩm lan rộng từ Trung Quốc đến Hồng Công và Nhật Bản khi công ty này bị phát hiện sử dụng thịt quá hạn. Sự việc đó đã tạo làn sóng người tiêu dùng tẩy chay hàng Trung Quốc. Chuỗi nhà hàng McDonald’s đã chấm dứt hợp đồng nhập khẩu thịt gà từ Trung Quốc và thay vào đó là các sản phẩm tương tự từ Thái Lan nhằm củng cố lòng tin người tiêu dùng. KFC, Pizza Hut, Starbucks, Burger King, 7-Eleven và Papa John's Pizza cũng có hành động tương tự.

Tại Nhật, tập đoàn Nissin Foods Holdings đã thu hồi hàng trăm ngàn gói sản phẩm mì đông lạnh sau khi một con gián được phát triển bên trong một gói hàng. Trước đó, Nissin Frozen Foods, công ty chuyên sản xuất mì ăn liền của Nhà sản xuất mì ăn liền Maruka Foods Corp, cũng đã tuyên bố ngừng hoạt động sản xuất sau khi phát hiện sâu bọ trong sản phẩm của họ. Nhật Bản lâu nay hiếm có vụ bê bối an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng những vụ việc kể trên có thể ảnh hưởng đến danh tiếng công ty Nhật và niềm tin của người tiêu dùng.

Còn tại Australia, cơ quan chức năng đã thu hồi trái cây, dâu đông lạnh Trung Quốc do nhiễm viêm gan A. Đã có 9 người  (3 ở Victoria, 4 ở Queensland và 2 ở New South Wales) bị viêm gan A sau khi ăn trái cây đông lạnh, khiến cho hơn một chục sản phẩm trái cây bị thu hồi khỏi các siêu thị lớn ở Australia

Tại Canada, Cơ quan Thanh tra thực phẩm (CFIA) đang thu hồi một sản phẩm gà bẩn nhiễm khuẩn Listeria. Sản phẩm bị thu hồi là những gói ức gà quay trọng lượng 400g của thương hiệu Lilydale Inc có hạn sử dụng đến ngày 28/04/ 2015. Thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Listeriacó có thể gây ra các triệu chứng như nôn, buồn nôn, sốt dai dẳng, đau cơ, đau đầu và cứng cổ.

Tương tự, ở Anh Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) vừa thông báo thu hồi lô sản phẩm phomat sữa dê chưa qua thanh trùng mang nhãn hiệu Ragstone bị phát hiện có nhiễm vi khuẩn Listeria moncytogenes ở mức cao.

Tại Mỹ, báo cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy, táo Mỹ đã khiến 32 người bị nhiễm listeria monocytogenes trong vụ này, được ghi nhận trên 11 bang. Trong số này, có 31 ca phải nhập viện và ít nhất 3 người đã tử vong, một ca bị sảy thai. 25/28 người bệnh được phỏng vấn có ăn sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn. Cũng tại đây, Hãng nước giải khát Coca Cola phải tiến hành thu hồi một số sản phẩm do có chứa thuỷ tinh trong nước ngọt.

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) hàng năm ước tính có 2 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn, hầu hết các trường hợp tử vong đều do nhiễm khuẩn salmonella, vi khuẩn E.coli hay norovirus. Đa số người thiệt mạng đến từ châu Phi và Đông Nam Á. Riêng những trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tới 40% các ca tử vong, là nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Nguyên nhân chính là do việc thương mại thực phẩm toàn cầu hóa như hiện nay, các bệnh dịch nhanh chóng lây lan, chỉ cần xuất phát từ một địa phương xuất khẩu không an toàn. Hàng năm các bệnh lây truyền qua thực phẩm ảnh hưởng tới nhiều triệu người. Nhiều người trong số đó bị những rối loạn nghiêm trọng, biến chứng lâu dài hoặc tử vong do ăn phải thực phẩm không an toàn.

Thách thức với Việt Nam

Theo số liệu từ Cục An toàn Thực phẩm, trong sáu tháng đầu năm 2014 ở Việt Nam đã xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới 714 người, trong đó có 14 người chết. Do đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nóng được nhiều người quan tâm đặc biệt là thực phẩm không an toàn. 

Có thể kể ra đây một số vụ như: tại Nhà máy may Nam Sung Vina huyện Diễn Châu, Nghệ An đã xảy ra vụ ngộ độc thức ăn khiến hơn 300 công nhân nhập viện. Tại An Giang, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Oriental Garment An Giang bị các triệu chứng như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, chóng mặt. giống như vậy, tại Trà Vinh gần 120 công nhân Công ty Cy Vina tại khu công nghiệp Long Đức, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa ăn trưa với món canh cải, mề gà kho sả, thịt gà chiên...

Nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc là do sự bùng nổ dân số cùng với đô thị hóa nhanh dẫn đến thay đổi thói quen ăn uống của nhân dân, thúc đẩy phát triển dịch vụ ăn uống trên hè phố tràn lan, khó có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm chế biến ngày càng nhiều, các bếp ăn tập thể gia tăng … là nguy cơ dẫn đến hàng loạt vụ ngộ độc. Bên cạnh đó, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, trong đó nguồn nước sạch sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống thiếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước vấn đề mang tính toàn cầu, an toàn thực phẩm, WHO đã đưa ra thông điệp cho ngày sức khỏa thế giới 2015 là: An toàn thực phẩm là trách nhiệm được chia sẻ từ trang trại tới bàn ăn. Kèm theo 5 chìa khóa giúp thực phẩm an toàn hơn. Đây là 5 hành động đơn giản mà mỗi cá nhân cần thực hiện để ngăn chặn bệnh tật xảy ra khi xử lý thức ăn. Đó là giữ gìn vệ sinh – rửa sạch tay và giữ sạch bề mặt nơi chế biến thức ăn, bảo quản riêng thức ăn chín và thực phẩm sống, nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng, giữ thực phẩm ở nhiệt độ phụ hợp, sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn khi chuẩn bị thức ăn./.

Bài: Đức Trung

BBT.