An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Điện châm – phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc
05:45 | 05/04/2015 Print   E-mail    

Hiện nay chữa bệnh không dùng thuốc đang là trào lưu mà nhiều người muốn hướng tới, vì lo ngại khi uống thuốc sẽ đưa một số hóa chất vào cơ thể, làm ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe. đó là chưa nói đến những tác dụng phụ ngoài mong muốn khi dùng thuốc. Có rất nhiều phương pháp phòng, trị bệnh không dùng thuốc như: Phương pháp tập luyện khí công, dưỡng sinh, năng lượng sinh học, năng lượng cảm xạ, thiền dưỡng sinh, yoga… Ngoài ra, còn những phương pháp: vật lý trị liệu, hóa học, cơ học, quang học, nhiệt học, tâm lý trị liệu v.v… Điện châm cũng là một trong những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.
 
Phòng điện châm của bệnh viện Lê Lợi tại TP. Vũng Tàu
 
Điện châm là phương pháp kết hợp chặt chẽ giữa chữa bệnh bằngchâm cứu (của y học cổ truyền) với chữa bệnh bằng dòng điện (của y học hiện đại), là sử dụng tác động chữa bệnh của huyệt vị, kinh lạc và tác dụng điều trị của dòng điện. Hiện nay trong điều trị bằng phương pháp điện châm phổ biến nhất là dùng dòng điện một chiều đều, bởi tác dụng sinh lý của dòng điện một chiều đều là gây giãn mạch tại chỗ (nơi đặt điện cực), tăng tuần hoàn máu, tăng dinh dưỡng chuyển hóa của cơ quan, tổ chức nằm giữa các điện cực. Đối với toàn thân điện châm tác dụng an thần, tạo cảm giác khoan khoái dễ chịu, tăng cường điều hòa hoạt động thần kinh thực vật và thần kinh cao cấp khác. Từ các đặc điểm trên, phương pháp điện châm bằng dòng điện một chiều đều thường được dùng trong các bệnh mãn tính. Ngoài ra điều trị bằng điện châm còn dùng các dòng xung điện có tần số và điện thế thấp, nhờ vào sự lên xuống của cường độ xung, có tác dụng ức chế cảm giác và giảm trương lực cơ. Vì vậy dùng các dòng xung điện để kích thích các cơ bại liệt, chống đau, tăng cường tuần hoàn ngoại vi… Khi châm kim vào huyệt, diện tích tiếp xúc của cực điện hết sức nhỏ (từ 0,1 – 0,5 cm2), nên mật độ điện tích trên một đơn vị diện tích trở nên rất cao, chính vì thế mà chỉ cần đưa vào huyệt một công suất điện hết sức nhỏ cũng gây ra một tác dụng kích thích mạnh.
Các bước tiến hành châm điện: - Chọn huyệt: thường có nhiều huyệt để châm song không phải tất cả các huyệt đều phải được kích thích, mà ta chỉ cần chọn một vài huyệt sao cho dòng điện đi qua nơi cần điều trị là được. - Chọn dòng điện và cực điện: trước mỗi bệnh nhân cụ thể, muốn chọn dòng điện ta cần lưu ý xem tác dụng chữa bệnh dòng điện của máy có phù hợp với bệnh cần chữa của bệnh nhân hay không? Việc chọn cực điện cũng rất quan trọng vì tác dụng của cực âm và cực dương hoàn toàn trái ngược nhau, do đó tùy theo yêu cầu của vị trí đặt cực mà chọn cực kích thích cho phù hợp. – Tiến hành kích thích điện trên kim: Sau khi đã đặt các cực nối điện vào kim, theo yêu cầu của chữa bệnh takiểm tra lại máy móc trước khi vận hành, tất cả các núm điện phải ở vị trí 0 (công tắc đóng). Bật công tắc cho máy chạy, xem đèn báo, vặn núm điều chỉnh cho công suất điện kích thích tăng từ từ, đạt đến mức độ yêu cầu của điện thế và cường độ thích ứng với từng người bệnh, nghĩa là khi người bệnh có cảm giác dễ chịu hay hơi căng tức chỗ kim châm trong phạm vi chịu đựng được.
Liệu trình điện châm: liệu trình chữa bệnh bằng điện châm nói chung cũng giống như châm cứu hoặc thủy châm. Thời gian của mỗi lần điều trị cần dựa vào sự tiếp thu kích thích của từng bệnh nhân trong từng bệnh, từng lúc, đối với từng loại dòng điện mà quyết định. Theo dõi tình trạng bệnh nhân sau lần châm thứ nhất, nếu bệnh giảm, không có mệt mỏi thì duy trì thời gian kích thích như lần đầu. Nếu bệnh giảm, người mệt mỏi, mất ngủ thì cần giảm thời gian kích thích. Nếu bệnh giảm ngay sau khi điều trị, về nhà đau trở lại thì phải tăng thời gian kích thích lên. Trung bình mỗi ngày châm một lần hay cách ngày nhưng từ 10 đến 15 lần điện châm là một liệu trình. Nghỉ độ 10 – 15 ngày rồi lại tiếp tục liệu trình mới, tùy theo yêu cầu chữa bệnh. Khi gặp người bệnh có cơn đau liên tục có thể một ngày châm vài lần. Trong khi điện châm chúng ta nên chú ý đến các tai biến như khi châm kim bệnh nhân có thể bị choáng, chảy máu hoặc tai biến về kích thích điện nếu người bệnh thấy khó chịu, chóng mặt thì ngưng kích thích điện và kịp thời rút kim ra.
Điện châm là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc phổ biến ở khoa đông y của các bệnh viện hiện nay, bởi vậy bệnh nhân không nên tự ý tới các cơ sở y tế ngoài luồng mà phải qua bệnh viện để có sự chẩn đoán, tư vấn, khuyến cáo của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế thì mới tiến hành điện châm để tránh những hậu quả đáng tiếc xẩy ra.
 
                                                                   Bài, ảnh: Trọng Chu
BBT.