Chuyên đề Chuyên đề
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mãi là tấm gương để chúng ta soi mình.
08:30 | 13/05/2014 Print   E-mail    

Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2014)
 
TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
MÃI LÀ TẤM GƯƠNG ĐỂ CHÚNG TA SOI MÌNH!
----------------
 
Thế hệ trẻ chúng tôi, chưa một lần có cơ hội gặp Bác và mãi mãi không bao giờ được nghe giọng nói trực tiếp của Người. Thế nhưng, qua lời kể của ba mẹ, của những bậc đi trước và của cả lịch sử dân tộc Việt Nam, ta hiểu được một chân lý: nếu không có Bác Hồ kính yêu sẽ không có một Việt Nam độc lập, không có một Việt Nam đang từng ngày hội nhập và phát triển cùng nhân loại.
 
             Cuộc đời của Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về học tập và tự rèn luyện. Từ thời thiếu niên đến lúc trở thành Chủ tịch nước, Bác không ngừng đấu tranh hoàn thiện mình, Bác luôn kiên trì rèn luyện, lâu dần thành nếp sống, thành thói quen. Bác đã từng nói: "Việc gì trong đời sống cũng khó khǎn cả, vì chưa thành thói quen, khi đã có thói quen thì việc gì cũng không khó".
 
Hình minh họa
 
            “Gia đình lớn" của Người, của cách mạng là nhân dân, là đại dân tộc Việt Nam. Người đã bỏ qua những niềm hạnh phúc riêng của mình mà dành trọn cuộc đời cho những niềm hạnh phúc lớn lao hơn. Bác Hồ mồ côi mẹ từ năm lên chín., mười năm sau giã biệt người cha già, ra đi tìm đường cứu nước, anh mất rồi chị mất, Bác đều không có điều kiện chăm lo. Dù rất quý trọng tình cảm gia đình, dù biết rằng sự lựa chọn nào cũng mất mát nhưng Bác - con người vĩ đại của dân tộc - đã lựa chọn một cuộc sống không chỉ cho riêng bản thân mà cho mọi người, mọi tầng lớp, mọi giai cấp.
 
              Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong tôi đã thấm nhuần lời dạy của Bác: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”. Học tập và sống tốt. Đó là điều duy nhất tôi có thể làm và làm tốt. Chỉ cần biết cố gắng, gìn giữ ước mơ hoài bão, vươn tới tương lai bằng chính đôi chân của mình. Tôi tin rằng khi tôi làm được, bạn làm được, tất cả chúng ta đều sẽ rất tự hào: Chúng ta là thế hệ trẻ Hồ Chí Minh!
 
              Sinh ra trong một nhà nho yêu nước, nơi mảnh đất xứ Nghệ “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, Hồ Chí Minh sớm cảm nhận nỗi đau của thân phận người dân mất nước. Người đã quyết tâm tìm đường cứu nước: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi”. Bao trùm lên cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân”. Và đã “Trung với nước, Hiếu với dân” thì suốt đời tận tuỵ, quên mình phục vụ nước nhà, phục vụ nhân dân. Đây là cái đức lớn nhất, cái gốc của nhân cách Cụ Hồ, là điều được đồng bào và người nước ngoài đồng thanh ca ngợi nhất. Trung với nước là trung thành với sự nghiệp giữ nước và dựng nước.
 
              Hành trình tìm đường cứu nước thật gian nan: phải làm bồi tàu, phải ăn đói, mặc rét, để chống lại cái rét của thành Ba-lê, Bác chỉ có một viên gạch hồng bọc trong một tờ báo cũ, phải chịu sự truy lùng của kẻ thù, bị toà án thực dân xử tử hình, mươi lần thoát khỏi lưu đày và máy chém….. Điều gì giúp Bác vượt qua những thử thách ấy? Đó không phải cái gì khác ngoài khát vọng to lớn, ngoài ham muốn tột bậc của Người là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cả một đời của Bác là vì nước vì non.
 
             Thế hệ chúng ta hôm nay cần nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn những hy sinh to lớn của ông cha để chúng ta có non sông, Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất trọn vẹn . Nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam chân chính. Trung với nước ngày nay là trung thành vô hạn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nền văn hóa, bảo vệ Đảng, chế độ, nhân dân và sự nghiệp đổi mới, bảo vệ lợi ích của đất nước.Thực hiện đúng lời dạy: "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư " nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới."Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là chuẩn mực đạo đức truyền thống trong quan hệ "đối với mình", được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng và phát triển phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, trở thành chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng. Nâng cao ý thức dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
 
             Mỗi chúng ta đều biết rằng: Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời tạo ra những thuận lợi và những thử thách mới đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức. Hơn lúc nào hết, hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện và tăng cường quản lý đạo đức trong Đảng và trong nhân dân. Kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.
 
             Thiết thực kỷ niệm 124 năm ngày sinh nhật Bác, noi theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ, chúng ta càng khắc ghi lời dạy của Bác: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mãi là tấm gương vừa trong vừa sáng để mỗi chúng ta tự soi mình, sống và làm việc thật tốt để  xứng đáng là tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh./.
 
Bài: Lê Ngân
BBT.