Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Tầm quan trọng của giáo dục đối với vận mệnh của đất nước!
07:32 | 09/11/2015 Print   E-mail    

Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: 

Tầm quan trọng của giáo dục đối với vận mệnh của đất nước!

----------

Có thể thấy rằng, giáo dục có một vai trò rất quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Trải qua bao thập kỷ, Đảng và Nhà nước ta luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Điều đó có nghĩa là sự nghiệp giáo dục và chính sách giáo dục có tầm quan trọng hàng đầu, các cơ quan có thẩm quyền và mọi người, mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đều phải coi trọng như vậy và phải làm đúng như vậy.

Sau Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI vào tháng 10/2013, vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được coi như là một trong những nội dung vừa chiến lược, vừa cấp thiết. Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, Việt Nam đang cần một quyết sách toàn diện, căn bản, xứng tầm với lĩnh vực quan trọng hàng đầu này. Đây là sứ mệnh thiêng liêng, đồng thời cũng vô cùng nặng nề để Việt Nam bước vào hàng ngũ các nước phát triển. 

(Hình minh họa)

Giáo dục đào tạo đóng vai trò quan trọng là nhân tố chìa khóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, các chính phủ đều coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vậy tại sao giáo dục đào tạo lại có tầm quan trọng đến chiến lược phát triển đất nước như vây? Chúng ta đều biết bởi vì: Giáo dục đào tạo là điều kiện tiên quyết góp phần phát triển kinh tế; Giáo dục đào tạo góp phần ổn định chính trị xã hội và trên hết giáo dục đào tạo góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người. 

Giáo dục- đào tạo không chỉ có vai trò quan trọng trên lĩnh vực sản xuất vật chất mà còn là cơ sở để hình thành nền văn hoá tinh thần của chủ nghĩa xã hội. Giáo dục có tác động vô cùng to lớn trong việc truyền bá hệ tư tưởng chính trị xã hội chủ nghĩa, xây dựng ý thức pháp quyền và ý thức đạo đức, xây dựng nền văn hoá, văn học nghệ thuật, góp phần cơ bản vào việc hình thành lối sống mới, nhân cách mới của toàn bộ xã hội. Đảng ta đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng con người và thế hệ thiết tha, gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ”

Một nền giáo dục kém sẽ không thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Và hẳn nhiên, nếu thiếu nhân lực tốt, thì Việt Nam sẽ tụt hậu, không thể phát triển được trong một thế giới đang biến đổi từng ngày, nhất là khi khoa học - công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc. Vì thế, không chỉ để có một nền giáo dục tốt, với chương trình, sách giáo khoa tối ưu, hay một kỳ thi đánh giá đúng chất lượng học sinh, nhằm khuyến khích cả thầy và trò tham gia dạy tốt, học tốt… trong bối cảnh hiện nay, giáo dục Việt Nam còn cần phải tính đến chuyện hòa nhập với các trường học chất lượng đẳng cấp quốc tế. Con số 1,75 tỷ USD chi cho du học tự túc trong năm 2014, tương đương 1% GDP, rõ ràng rất có ý nghĩa.

Xu hướng xã hội hóa giáo dục đã được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng đã đầu tư phát triển dự án trường học ở các cấp học khác nhau và nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Đây là xu hướng cần được tiếp tục được đẩy mạnh, để cùng với hệ thống giáo dục - đào tạo công lập, hệ thống này sẽ góp phần quan trọng vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo tại Việt Nam.

Ngày nay, cả nhân loại đang bước vào thế kỷ XXI - thế kỷ của trí tuệ, của nền kinh tế tri thức, vấn đề con người đã được đặt ra ở tầm cao mới, coi con người là vốn quý nhất, coi sự phát triển nguồn nhân lực con người là cuộc cách mạng trong bối cảnh thế giới đang biến động mạnh mẽ, cùng hợp tác, cùng cạnh tranh. Nguồn lực con người là số dân và chất lượng con người, bao gồm cả thể chất và tinh thần, sức khỏe và trí tuệ, năng lực và phẩm chất. Vì vậy, chúng ta phải tập trung chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo, phát huy sức mạnh của con người Việt Nam thành lực lượng lao động xã hội, lực lượng sản xuất đủ bản lĩnh và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đủ sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh của con người và các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài phải thể hiện thành sức mạnh của đội ngũ nhân lực, trong đó có bộ phận nhân tài, trên nền sức mạnh dân trí với cốt lõi là nhân cách, nhân phẩm đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhìn chung chúng ta có thể thấy rằng, trong nhiều thập kỷ qua, nhất là thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, việc chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy nguồn lực con người luôn được quan tâm hàng đầu và đó là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân với đội ngũ trí thức là nòng cốt. Đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, con người là mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế - xã hội tạo cơ sở để thực hiện quan điểm phát triển nội sinh, tức là phát triển kinh tế - xã hội do con người và vì con người, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội và quay lại phục vụ văn hóa phát triển, lấy văn hóa dân tộc làm bệ phóng cho công nghệ tiên tiến, lấy nguồn lực con người là điều kiện cơ bản đi vào công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chính vì thế với chúng ta, giáo dục có một vai trò rất quan trọng đối với vận mệnh của đất nước./.

                                                                                                   Bài: Lê Ngân, BBT