Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Thực trạng và giải pháp hoạt động chương trình thông tin tuyên truyền lưu động trên địa bàn thành phố Vũng Tàu.
08:24 | 08/06/2015 Print   E-mail    

 
Hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại mà các phương tiện thông tin bùng nổ mạnh mẽ: Truyền hình cáp, internet, các loại đĩa, phim 3D,4D v.v…Đã làm cho đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân ngày càng phong phú; Có thể nói “cả thế giới trong nhà bạn”. Trước tình hình đó sân khấu nói chung và kịch thông tin tuyên truyền lưu động nói riêng phải làm gì để có thể duy trì hoạt động tốt trong vai trò thông tin tuyên truyền cổ động.
 
  
                                                              ( Ảnh minh họa )
Những năm trước đây, trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu hàng năm có tổ chức thi sáng tác kịch bản và thi chương trình thông tin tuyên truyền lưu động; Và ở các huyện, thị, thành phố cũng căn cứ cuộc thi của tỉnh để tổ chức ở địa phương, qua đó tuyển chọn chương trình xuất sắc tham dự thi cấp tỉnh.
 
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong nhiều khâu: kịch bản, dàn dựng chương trình, kinh phí đến diễn viên nhưng các phường, xã trên địa bàn thành phố Vũng Tàu lúc bấy giờ vẫn xây dựng chương trình dự thi; Đặc biệt có 2 đơn vị luôn đi đầu, tích cực tham gia và thường đạt giải cao là: phường 8 và phường 11.
 
Để có một chương trình thông tin tuyên truyền lưu động “ra lò” tốn khá nhiều tiền, nhiều công sức nhưng hầu như các chương trình thông tin tuyên truyền lưu động thi xong, thậm chí có chương trình đạt giải cao cũng đều “xếp vào kho” không có đất để diễn. Để chương trình thông tin tuyên truyền lưu động không bị  “ xếp vào kho” chúng ta có thể đưa chương trình thông tin tuyên truyền phục vụ trong các cuộc hội nghị, ngày họp mặt, giao lưu …
 
Những năm gần đây, chương trình thông tin tuyên truyền lưu động  ở thành phố Vũng Tàu vắng bóng hẳn. Năm 2013 và 2014  thành phố Vũng Tàu cũng đã gửi thông báo tổ chức thi chương trình thông tin tuyên truyền lưu động cho 17 phường, xã nhưng cuối cùng không thể tổ chức được vì nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do kinh phí và con người. Mặt khác loại hình tuyên truyền cổ động này không còn mấy mặn mà, thu hút, hấp dẫn người xem trước sự bùng nổ thông tin như hiện nay.
Bản thân kịch là một loại hình nghệ thuật khá kén chọn người xem, kéo khán giả đến rạp đã khó nhưng để họ nán lại tới lúc hạ màn lại càng khó hơn. Với kịch thông tin tuyên truyền lưu động thì cái khó này lại càng tăng lên. Bởi bản thân tên gọi của loại kịch đã ít nhiều khiến người ta liên tưởng tới những gì khô khan, máy móc. Trong kịch thông tin tuyên truyền lưu động, tính thông tin là chủ đạo. Lấy sự kiện, xung đột kịch và giải quyết mâu thuẫn trong một vở kịch để tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị ( đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước )
 
Tuy nhiên chúng ta không thể bỏ trống mảng này vì đây là một trong những thiết chế văn hóa của các trung tâm văn hóa huyện, thị, thành phố và của tỉnh. Thông qua những chương trình thông tin tuyên truyền lưu động hay nói cách khác là hình thức sân khấu hóa, chúng ta chuyển tải được các chủ trương của Đảng; Chính sách, pháp luật của nhà nước một cách hiệu quả, đi vào cuộc sống của quần chúng nhân dân một cách nhẹ nhàng nhất.
 
Như tôi đã nói ở trên, mặc dù các loại hình giải trí ngày càng đa dạng, phong phú; các phương tiện thông tin ngày càng phát triển, thuận tiện; Ngồi bất cứ ở đâu cũng có thể truy cập internet nhưng kịch thông tin tuyên truyền không thể thiếu trong công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là những vùng sâu vùng xa. Việc tuyên truyền miệng ( đọc hoặc thu âm để phát thanh bằng xe lưu động ) không thể hiệu quả bằng hình thức sân khấu hóa. Mặt khác việc phát thanh bằng xe ít nhiều gây khó chịu cho những hộ gia đình ở mặt tiền đường vì xe phát thanh phải đậu bên lề đường ảnh hưởng đến buôn bán của các hộ dân; Tiếng loa phát to có thể ảnh hưởng đến một số gia đình có người già, người bệnh và trẻ em đang ngủ v.v…
 
Như vậy làm thế nào để chương trình thông tin tuyên truyền lưu động có thể hoạt động trở lại như trước đây và thu hút, hấp dẫn người xem? Trong bài viết này xin  bàn về một vài giải pháp:
Kịch sân khấu nói chung và kịch thông tin tuyên truyền lưu động nói riêng thành công hay không do 3 yếu tố chính: kịch bản, đạo diễn và diễn viên. Trước hết nói về kịch bản. Để có một kịch bản hay trước hết chúng ta phải xây dựng được một đội ngũ sáng tác có tâm huyết, có tay nghề. Mà muốn có được đội ngũ sáng tác có nghề chúng ta phải tạo mọi điều kiện để họ tiếp cận với thực tế; Thường xuyên bồi bổ kiến thức cho họ bằng cách tổ chức giao lưu, học hỏi ở các tỉnh bạn, tổ chức các lớp học dài ngày ( mời thấy có tên tuổi, có nhiều kinh nghiệm về đứng lớp ); Mở trại sáng tác cho các tác giả không chuyên. Bên cạnh đó chúng ta cần sưu tầm các tác phẩm khác ở các tỉnh bạn; Sưu tầm trên các sách, báo,tạp chí…
 
Mặt khác, khi tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản chúng ta cần nâng cao giá trị giải thưởng lên ngang tầm với giá trị chất xám mà các tác giả đã bỏ tâm trí, công sức vào các tác phẩm của mình. Có như vậy mới  khích lệ tinh thần của các cây viết không chuyên. Tuy nhiên để bắt kịp thời đại, phù hợp với xu thế chung và để nâng cao chất lượng kịch bản, nhằm thu hút công chúng đến với chương trình thông tin tuyên truyền lưu động chúng ta cần phải cải tiến kịch bản, không nhất thiết phải kết hợp nhuần nhuyễn 3 phương thức tuyên truyền (thông tin, trực quan, văn nghệ ) như trước đây mà chúng ta có thể tách rời  theo dạng tờ báo miệng ( biểu diễn từng phần : Tuyên truyền miệng, ca nhạc, tranh cổ động, tiểu phẩm…), làm sao tất cả các mục này đều có sự kết nối liên tục, cùng tuyên truyền một chủ đề .
 
Ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và thành phố Vũng Tàu nói riêng không phải không có những người tâm huyết với nghề dàn dựng chương trình ( chưa thể gọi đạo diễn vì chưa có bằng đạo diễn ); Đội ngũ dàn dựng chương trình thông tin tuyên truyền lưu động cũng không nhiều nhưng nếu cần thì họ sẽ đáp ứng nhu cầu tập dượt cho các đội dự thi; Những người này cũng không đòi hỏi nhiều về tiền bồi dưỡng; Tuy nhiên tay nghề của họ chưa cao. Khi chúng ta đã có kịch bản hay, muốn chương trình thông tin tuyên truyền lưu động hay cần phải mời thầy có tay nghề về dàn dựng. Nhưng cái khó là không có kinh phí. Vấn đề này vẫn luôn là điều nan giải của các đội thông tin lưu động từ tỉnh xuống huyện, thị, phường xã hiện nay. Để khắc phục tình trạng này chúng ta phải tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, chúng ta phải hoạt động có hiệu quả để lãnh đạo nhìn và đánh giá kết quả đã đạt được của chúng ta. Ngoài ra chúng ta có thể tìm mạnh thường quân ủng hộ chúng ta.
 
Cái khó khăn hiện nay về diễn viên không chỉ thành phố Vũng Tàu gặp phải mà là khó khăn chung của toàn tỉnh. Khi xây dựng một kịch bản, có đầy đủ các khâu, tới khâu tìm kiếm diễn viên cũng khá nan giải; tìm được diễn viên ưng ý, hợp vai diễn nhưng họ tập được một thời gian lại bỏ ngang vì công việc ở cơ quan, vì lý do riêng; Có diễn viên lại mắc bệnh ngôi sao nên gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến toàn bộ ê kíp thực hiện chương trình v.v… Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải biết quy tụ được đội ngũ cộng tác viên gắn bó với chúng ta. Chúng ta giữ chân họ không chỉ bằng vật chất mà còn bằng tinh thần. Ví dụ: Ngoài tiền bồi dưỡng tương xứng với công sức họ bỏ ra, chúng ta nên tổ chức họp mặt họ đầu năm, cuối năm, vào các dịp lễ, tặng họ món quà dù rất nhỏ nhưng sẽ rất có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần. Đặc biệt khi mời cộng tác viên tham gia thì chúng ta phải tìm hiểu kỹ về lý lịch, điều kiện gia cảnh của họ để kịp thời giúp họ giải quyết những vướng mắc, giải tỏa tâm lý để họ có thể toàn tâm toàn ý với vở diễn.
 
Nhiều người cho rằng hoạt động văn hóa – văn nghệ, thông tin tuyên truyền chỉ có chi chứ không có thu. Làm tốn tiền bạc của nhà nước, do đó kinh phí cho hoạt động  này thường bị cắt đến mức dở khóc dở cười. Họ không nghĩ rằng chính văn hóa văn nghệ là động lực tinh thần giúp cho con người phấn chấn, yêu đời hơn,vui tươi hơn; Khích lệ chúng ta làm việc tốt hơn.  Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem trong một hội nghị, trong một cuộc mít tinh, trong bất cứ một buổi lễ nào mà không có phần văn nghệ, chỉ nghe phát biểu thôi thì tinh thần chúng ta sẽ ra sao???
 
Chương trình thông tin tuyên truyền lưu động là cầu nối giữa các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước với quần chúng nhân dân. Thông qua cầu nối này người dân sẽ hiểu thấu đáo, cụ thể hơn về những quy định, những nghị định, những thông tư v.v… của Chính phủ. Và mỗi khi người dân hiểu rõ vấn đề thì việc họ thực hiện là rất dễ dàng như lời dạy của Bác Hồ “ Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Để chương trình thông tin tuyên truyền lưu động giữ được đất diễn thường xuyên. các cấp tham mưu cần tích cực, lãnh đạo quan tâm và đánh giá đúng mới đáp ứng yêu cầu đề ra.
 
Bài: Hoàng Yến
BBT.