Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Làm người tế nhị
05:25 | 27/05/2015 Print   E-mail    

 
Trong mối quan hệ giữa con người với nhau, tế nhị là một trong những mặt tính cách quan trọng để giữ được mối tình cảm gắn bó lâu bền. Tế nhị làm cho con người quý trọng nhau hơn, được trân trọng hơn; Đem đến nhiều thành công cho mỗi cá nhân trong giao tiếp .
 
Description: http://media.tinmoi.vn/2013/10/11/1380216640-chan-dung-tuong-giap-ve-tham-_2htfkkdn9cedt.jpg
( hình minh họa )
 
Không có một định nghĩa hay một quy tắc đầy đủ cho sự tế nhị. Tế nhị tùy thuộc vào tính cách của con người nhất là môi trường sống và sự giáo dục của gia đình. Vì vậy trong giới hạn bài viết này xin nêu một số nhận thức về tế nhị.
 
Tế nhị là trang sức làm đẹp nhân cách con người, phát xuất từ tấm lòng hiền  hậu và đức khôn ngoan. Sự hiền hậu làm cho người ta dễ thương và đức khôn ngoan giúp người ta biết cẩn trọng mọi sự. Sự dễ thương làm cho mình được mọi người đón nhận, sự cẩn trọng giúp chúng ta tránh được những tai hại và bất lợi cho mình cũng như cho người khác. Như vậy tế nhị biểu hiện một tâm hồn sâu sắc và tinh tế, gây nên sự tín nhiệm và luôn được mọi người quý chuộng. Thiếu tế nhị chứng tỏ một tâm hồn sơ sài, qua loa và thô thiển, khó lòng mà phát triển, nảy nở một nhân cách tốt đẹp từ một tâm hồn như thế. Ví dụ: Khi nhân viên có lỡ lời hay có hành động gì không phải với thủ trưởng, người khôn ngoan và hiền hậu chắc chắn sẽ bỏ qua, không chấp nhưng nếu người không rộng lượng, bao dung sẽ chấp và tất nhiên sẽ dẫn đến những hành động thiếu tế nhị (dùng quyền hành trù dập, gây khó cho nhân viên mình)
 
Người ta dễ sai lỗi nhất trong lời nói "Hãy suy nghĩ những điều bạn nói, nhưng đừng nói tất cả những điều bạn nghĩ". Nói năng một cách tế nhị không phải để mong chinh phục người khác theo ý mình, nhưng trước tiên là để tôn trọng một con người và sau đó là để cho sự thật và những gì cao đẹp được lên tiếng trong mỗi người chúng ta. Tế nhị là một hành vi cao đẹp luôn đòi hỏi sự kín đáo, âm thầm, không có hậu ý, chỉ vì muốn tốt đẹp cho người khác mà thôi. Ví dụ: Khi ta giúp ai một việc gì, ta lại đi khoe với mọi người về việc mình đã làm cho người đó.
 
Tế nhị là tình cảm chỉ cho người ta biết trong những hoàn cảnh cụ thể cái gì là phù hợp và cái gì không phù hợp, cái gì nên nói và làm hoặc cái gì không nên nói và làm; Mức độ nói và làm như thế nào là vừa phải. Ví dụ: Có một người không có điều kiện kinh tế nên mỗi lần đi dự đám cưới phải thuê mượn quần áo ở tiệm để mặc, và kỳ lạ thay cô ấy thực sự duyên dáng và rực rỡ với bộ cánh đó, mọi người đều đổ dồn ánh mắt và khen ngợi cô ấy; Lúc đó bỗng có một dọng nói cất lên “ Đẹp gì, đồ cô ấy đi thuê ngoài tiệm đó “. Dù chúng ta biết rõ bộ đồ ấy là người đó thuê mượn nhưng không nên phát biểu giữa đám đông như vậy.
 
Tế nhị là tính nhã nhặn và khiêm tốn trong cách cư xử; Là sự tôn trọng mọi người và cả những ý kiến của người khác; Là thái độ ân cần, gần gũi, cởi mở với người thân, đồng nghiệp và bạn bè. Tế nhị là sự bình tĩnh, tự chủ, biết kiềm chế trong bất kỳ tình huống nào; Là biết cảm nhận được giới hạn của mình có thể gây nên sự bực bội cho người khác; Tế nhị là biết sẻ chia, động viên, khen ngợi, phê bình người khác đúng lúc, đúng nơi. Chẳng hạn trong cơ quan trước một người có chiều cao khiêm tốn mà chúng ta lại chê người khác lùn và nói “ đừng qua nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn”, hoặc lâu ngày gặp lại một người mà gương mặt họ nổi đầy mụn( nhất là phụ nữ, con gái )chúng ta lại thốt lên giữa đám đông “ôi ! Sao mặt em nổi mụn ghê quá”.
 
Người tế nhị không bao giờ khoe khoang nhất là khoe trước mặt những người kém may mắn hơn mình, không nên ép buộc người khác phải theo ý mình. Chẳng hạn bạn gái mình đang bị chồng ruồng rẫy, đánh đập thì mình lại thao thao bất tuyệt khoe chồng mình chiều chuộng, mua sắm cho mình đủ thứ với người bạn đó. Sẽ là thiếu tế nhị, thiếu văn hóa nếu bạn buông ra những lời phê phán, chê bai người khác một cách thô bạo kiểu như: “ đồ dở hơi, đồ khùng,đồ quê mùa, đồ vớ vẩn...”.
 
Trong khi tiếp xúc với những người có khuyết tật về thân thể, người tế nhị cần hết sức tránh gợi cho người ta về điều đó, cũng như không nên nhắc lại quá khứ đau khổ, nặng nề của người khác; Không bàn tán những chuyện riêng tư của người khác. Người tế nhị không bao giờ nghe trộm, đọc trộm mọi thông tin ( thư từ, tin nhắn ) của người khác, không ghé mắt nhìn vào cửa sổ nhà người khác. NGười tế nhị thì không bao giờ đặt người khác vào tình thế khó xử và không nên để ý những sơ suất cuả người khác. Người tế nhị cần biết vị nể lòng tự trọng và ưu điểm của người khác và biết cảm thông trước thiếu sót và những cái yếu của người khác. Chúng ta “hãy đối xử với người khác như mình mong muốn người khác đối xử với mình”.
 
Nếu khi nào chúng ta cảm thấy lúng túng, khó khăn trong việc đối xử với một ai đó thì bạn hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của người đó và lúc ấy chúng ta sẽ tìm ra được cách đối xử đúng đắn, không sai sót và ... Đó là tế nhị.
 
Bài: Hoàng yến
BBT.