Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Tấm lòng những người “làm công quả”
07:52 | 07/05/2015 Print   E-mail    

 
Cứ đến lễ hội, nhiều người lại tình nguyện đến đình chùa phục vụ. Không chỉ là bưng trà, rót nước, nhiều người còn đóng vai trò là chánh bái, hương chức; cũng có người trong đội ngũ học trò lễ; làm công quả… phục vụ ở đình, chùa suốt những ngày diễn ra lễ hội. Công việc đó không được tính bằng tiền, không thể trả bằng lương, người làm đến đây chỉ bằng trái tim, bằng tấm lòng.
 
Mở đầu cho các lễ hội trong năm tại TP. Vũng Tàu là lễ hội vía Ông (ngày 20-2 âm lịch) ở Nhà Lớn – Long Sơn. Đến ngày giỗ Ông, từng đoàn người vận áo dài đen, khăn đống mang theo nào xôi chè, bánh trái đến cung kỉnh Ông Nhà Lớn (Ông Lê Văn Mưu, người khai hoang lập đất ở Long Sơn cách đây hơn trăm năm). Không khí của Nhà Lớn 2 ngày tiếp đó luôn ấm cúng và trang nghiêm. Dù đi làm ăn ở đâu xa xôi mấy, đến ngày vía Ông nhiều người dân Long Sơn vẫn trở về dự lễ và  phục vụ khách. Mỗi người một việc nhưng tất cả đều góp phần làm cho việc tiếp đãi khách thập phương thêm chu đáo. Bà Lê Thị Kiềm, thành viên ban điều hành Nhà Lớn – Long Sơn cho biết, tín ngưỡng của Ông không có kinh kệ, rước sách, kiêng kỵ, không cắt tóc ăn chay, không có chuông mõ. Người dân theo Ông đều mặc quần áo bà ba đen hoặc áo dài đen, đi chân đất, đầu để tóc dài búi gọn sau gáy. Tất cả những công việc trong Nhà Lớn cũng như trong dòng tộc đều do những ông lớn (8 vị kỳ lão) họp bàn giải quyết”. Ngày vía Ông, nhân dân tự giác luân phiên nhau đến quét dọn, đèn nhang, cung kỉnh trong Nhà Lớn gọi là “vô phiên” hoặc “phiên ngũ thường”. Những phong tục tập quán đó có hàng trăm năm về trước nhưng đến nay vẫn được chưa hầu, bá tánh, những người theo đạo ông Trần gìn giữ và phát huy.
Description: C:\Users\Sony\Desktop\nguoi lam cong qua.jpg
                          Bà Phạm Thị Thùy (trái), người trông coi Đền Hùng Vương - Mẫu Cửu Thiên
 
Câu chuyện về người “làm công quả” như bà Phạm Thị Thùy dưới đây cũng khiến nhiều người xúc động. Bà Phạm Thị Thùy, người trông coi Đền Hùng Vương - Mẫu Cửu Thiên (12 Bạch Đằng, phường 5, TP. Vũng Tàu) có hơn 50 năm gắn bó với Đền Hùng. Bà Thùy đã thuộc nằm lòng từng câu đối, từng bức hoành phi ở trong đền. Đã 87 tuổi nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Theo bà, Đền Hùng ở phường 5 có khoảng giữa thế kỷ XIX, do 22 cụ có tên thờ trong nhà vong lập nên. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đền Hùng là nơi hoạt động bí mật của nhiều cán bộ cách mạng ở địa phương. “Công việc ở đền không thể tính được bằng tiền công, không thể trả bằng lương. Tôi gắn bó với nơi này xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng và ở niềm tin những gì mình gìn giữ sẽ là di sản để lại cho con cháu mai sau”, bà Thùy nói.
 
Qua nhiều lần tổ chức, lễ hội Nghinh Ông - Đình thần Thắng Tam Vũng Tàu vẫn giữ được các nghi lễ truyền thống gắn với phần hội là các trò chơi dân gian, như múa lân, diễn tuồng. Lễ hội Nghinh Ông cũng được tổ chức rầm rộ trong 3 ngày (từ ngày 16 đến 18-8 âm lịch) tại Đình thần Thắng Tam. Trước ngày diễn ra lễ hội Nghinh Ông, các thuyền đánh cá dù đang ở xa hay gần, dù thất bại hay trúng mùa tôm cá đều tề tựu về bến. Những nhân vật không thể thiếu trong các dịp lễ hội chính là chánh bái, phó bái, các vị hương chức và đoàn học trò lễ. Hầu hết đội ngũ học trò lễ là những người còn trẻ. Ông Lê Quang Dựng, thành viên ban quản lý Đình thần Thắng Tam, nói: “Cứ đến dịp lễ hội Nghinh Ông thì những người trong ban quản lý, ban tế tự của Đình thần Thắng Tam và đội ngũ học trò lễ sẽ tự nguyện tề tựu về đây đông đủ như một cách để quay về nguồn cội, cùng làm sống lại nét đẹp văn hoá của người dân làng chài ở Bà Rịa – Vũng Tàu”.
Bài, ảnh: Yến Nhi
BBT.