Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục
05:23 | 03/07/2020 Print   E-mail    

Ngày 01/7/2020, Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Văn bản số 1208/SGDDT-VP gửi ngành giáo dục và đào tạo các huyện, thị, thành phố, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, trong thời gian qua, ngành giáo dục Tỉnh đã hướng dẫn, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn xảy ra một số vụ bạo lực học đường, gây ảnh hưởng tới tâm lý, thể chất của học sinh và các hoạt động giáo dục trong nhà trường gây bất bình trong dư luận.

Nhằm kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các vụ bạo lực học đường xảy ra nhất là trong hè năm 2020 và chuẩn bị vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở triển khai tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng chống bạo lực học đường, an toàn trường học cụ thể như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai các giải pháp tăng cường phòng chống bạo lực học đường và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học trong các cơ sở giáo dục năm học 2019 2020; Kế hoạch số1172/KH-SGDDT ngày 25/06/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hành động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2020-2025.

Thứ 2: Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.

Thứ 3: Xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Triển khai mạnh mẽ Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh trong dịp hè. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội nhất là tham gia Chiến dịch mùa hè xanh, Chiến dịch Hoa phượng đỏ, …. để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất về kĩ năng sống cho học sinh.

Thứ 4: Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường nhất là Tổ tư vấn học đường để thực hiện kế hoạch hiệu quả hơn; quan tâm các em học sinh chậm tiến bộ, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Thứ 5: Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục (Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát,...) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường. Bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ tư vấn tâm lý, để thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học.

Thứ 6: Tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục lý tưởng cách mạnh, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội trong dịp hè. Tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục kỷ luật tích cực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tích cực nêu gương người tốt việc tốt, đề cao sự gương mẫu của thầy, cô giáo để mỗi thành viên trong nhà trường đều trở thành nhà giáo dục thân thiện, thuyết phục.

Thứ 7: Thường xuyên thông tin hai chiều giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh về hoạt động của nhà trường nhất là trong dịp hè, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường của học sinh để thống nhất các biện pháp can thiệp, giáo dục học sinh kịp thời; hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.

Thứ 8: Phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng; kỹ năng phòng tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra; không tham gia chia sẻ, bình luận... các thông tin xấu độc, không gây gây mâu thuẫn giữa các học sinh do việc chia sẻ, bình luận.

Thứ 9: Tham mưu các cấp quản lý giáo dục, chính quyền địa phương xây dựng quy chế phối hợp với công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mạng lưới bảo vệ trẻ em của địa phương trong công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm khắc những trường hợp có hành vi bạo lực học đường theo quy định./.

Tin: Bằng Lăng, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu