Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Chuyên mục: Diễn đàn xã hội
08:41 | 29/05/2019 Print   E-mail    

Chuyên mục: Diễn đàn xã hội
ĐỐT, RẢI VÀNG MÃ - MỸ TỤC HAY HỦ TỤC?
 
     Tục đốt, rải vàng mã trong các dịp lễ từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của đại bộ phận người dân Việt như để tỏ lòng thành kính với người đã khuất, cầu mong sự bình ổn cho người còn sống. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc đốt, rải vàng mã ngày càng biến tướng gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị. Điều này không khỏi gợi cho chúng ta sự băn khoăn rằng tập tục đốt, rải vàng mã bắt nguồn từ đâu? Trong một xã hội đang phát triển triển xu hướng văn minh tiến bộ như ngày nay thì có cần thiết phải duy trì tập tục này hay không?
 
     Cứ theo như các điển tịch cổ ghi lại thì tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau khi Thái Luân phát minh ra cách làm giấy từ thời Đông Hán, người Trung Quốc đã bắt đầu nghĩ ra việc chế tác vàng bạc, áo quần… bằng giấy thay cho đồ thật để đốt đi trong tang ma, tế lễ, nhằm tiết giảm chi phí. Tập tục này bắt nguồn từ đó và từng bước lan truyền rộng rãi, bắt đầu từ chốn cung đình ra ngoài dân gian. Đến thời nhà Đường, tập tục này bị giới tăng sĩ Phật giáo công kích và dần bị bài trừ trong xã hội. Điều này đã đụng chạm đến nồi cơm của giới thương nhân chuyên sản xuất và buôn bán vàng mã khiến họ không thể ngồi yên, buộc phải tìm ra những thủ đoạn “trục vớt” cái nghề đổi tiền giả lấy tiền thật đầy béo bở đang có chiều hướng suy tàn này.
 
    Trong sách Trực Ngôn Cảnh Giáo có ghi, Vương Luân, hậu duệ của Vương Dũ, người được xem như ông tổ nghề chế đồ vàng mã của Trung Quốc, đã bày ra thủ đoạn như sau: Vương Luân bàn với các đồng chí của mình cắt cử một người giả chết. Sau khi thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục khâm liệm, đến lúc chờ đông đảo mọi người tụ tập, Vương Luân cùng với đồng đảng bày đàn cúng trước linh sàng người chết để cúng tế trời đất quỷ thần và đốt vàng mã, hình nhân thế mạng…linh tinh đủ mọi thứ. Thật thần diệu! Người chết bỗng dưng tỉnh dậy, thuật lại với mọi người rằng: "Các thần thánh trong tam, tứ phủ vừa nhận được hình nhân thế mệnh cho tôi, với tiền bạc và đồ mã, nên mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế". Đám dân quê chất phác cả tin ấy ai cũng tưởng thật, cho rằng hình nhân có thể thế mệnh được và thánh thần cũng thích ăn của đút lót (tức đồ lễ hàng mã) để tăng phúc, giảm tội và cho tăng thêm tuổi thọ người có lòng thành dâng lễ. Từ đấy các nghề hàng mã lại được phục hưng một cách nhanh chóng, vì dân chúng tin rằng không những vong linh tổ tiên của họ cần đến, mà đến cả thánh thần cũng xiêu lòng trước mấy món vàng mã mà ưu ái trong việc giải quyết chế độ chính sách cho người dâng cúng trên dương thế.
 
     Thôi thì chuyện xưa chả biết đúng - sai thế nào! Sách cổ chép vậy thì ta biết vậy, nhưng có điều đây là một hiện tượng phổ biến trong xã hội thì có lẽ ta cũng cần phải nhìn nhận, đánh giá một chút về tập tục này. Chắc chắn một điều là tập tục đốt, rải vàng mã này không bắt nguồn từ một tôn giáo nào. Phật giáo vốn là tôn giáo gần gũi và gắn bó nhất với dân tộc Việt Nam vốn không có và đã nói “Không” với tập tục này từ rất lâu. Đạo Lão không; đạo Thiên Chúa không; đạo Hồi và một số tôn giáo ít phổ biến khác lại càng không. Vậy thì tập tục này chỉ là một tín ngưỡng tâm linh trong dân gian, trải qua gần ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc được du nhập vào Việt Nam và không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, ma chay của người dân Việt bởi sự du nhập này kết hợp với truyền thống trọng chữ “hiếu” - đạo lý ngàn đời của dân tộc, nhằm tỏ lòng thành kính, báo hiếu tổ tiên của con cháu. Người Việt luôn quan niệm “trần sao âm vậy” nên khi cha mẹ ông bà qua đời con cháu thường sắm sửa rất nhiều đồ dùng sinh hoạt hằng ngày bằng giấy để đốt, mong tổ tiên, ông bà ở dưới cõi âm có cuộc sống đầy đủ hơn để phù hộ phúc lộc cho con cháu trên cõi trần.
 
     Người viết bài này xin tản mạn vui một chút: Nếu nói “trần sao, âm vậy” thì ở trên trần gian, mọi người phải lao động cật lực mới kiếm được đồng tiền, hay như có người thân nào cho chúng ta tiền bạc, thì người đó cũng phải lao động vất vả mới kiếm được đồng tiền, vậy thì dưới âm phủ sao mà kiếm được đồng tiền dễ thế! Con cháu chỉ cần bỏ ra một ít tiền (thật) với giá trị không lớn mà có thể dâng lên vong linh tổ tiên cả xấp đô la, vàng, nữ trang, rồi cả nhà lầu, xe hơi, những thiết bị tiên tiến như laptop, smartphone, thậm chí có khi cả máy bay, phi thuyền. Nếu chiếu theo nguyên tắc cơ bản trong kinh tế học trên trần gian là vật ngang - giá chung thì thật là phi lý khi chúng ta bỏ ra vài chục, vài trăm ngàn, hoặc vài triệu đồng lại có thể dâng lên tổ tiên dưới âm phủ những giá trị vật chất lớn như vậy. Rồi nữa, tổ tiên chúng ta trước đây cơ bản văn hóa thấp, không biết có sử dụng được những món công nghệ thời đại 4.0 hay không! Ấy là chưa kể việc phát hành đồng tiền là kế hoạch lớn của một quốc gia chứ đâu phải chuyện chơi. Vậy mà mấy đứa trẻ còn thò lò mũi, mấy cụ già, hay mấy anh thanh niên xoay trần trong các cơ sở in ấn trên trần gian lại dám thay mặt Thống đốc Ngân hàng địa phủ tổ chức in ấn và phát hành tiền hàng loạt. Giả sử như mấy người này hứng chí tăng năng suất lao động, in tiền ồ ạt thì rất dễ xảy ra lạm phát dưới âm phủ, làm Diêm Vương nổi điên lên phát lệnh truy nã thủ phạm thì chỉ có chết. Ngoài ra, các bậc thần thánh vốn đi mây về gió, đầy thần thông quảng đại thì cần gì đến sự trợ giúp và phụ thuộc vào mấy xấp tiền, vài vật dụng bằng giấy do đám chúng sinh dâng cúng. Vậy thì sao có thể nói việc đốt, rải vàng mã là do “trần sao, âm vậy” được. Nếu nói là “trần sao, âm vậy” có chăng chỉ đúng khi việc đốt vàng mã trước đây chỉ thực hiện trước mộ phần người chết theo như sách Thọ Mai Gia Lễ ghi lại, nay lại biến tướng thêm cái việc rải dọc đường trong đám tang, chắc là xuất phát từ suy nghĩ rằng giống trên trần gian là cần phải trả phí BOT cho người chết khi đi đường, hoặc cần “bôi trơn”, chi phí mãi lộ cho đám thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thoái hóa biến chất dưới âm phủ.
 
     Nếu suy xét một cách nghiêm túc thì bản chất của việc đốt, rải vàng mã là không xấu. Nó là hiện tượng mang yếu tố tâm linh bắt nguồn từ tình cảm của mọi người muốn báo đáp công ơn của các bậc tổ tiên, hay cầu mong những đấng thánh thần phù hộ cho họ được thỏa mãn những khát vọng trong cuộc sống. Tuy nhiên tập tục này dường như đã đi quá xa. Nó không những không theo nghi thức một tôn giáo nào, mà còn trái ngược với tinh thần đạo Phật, một tôn giáo lớn có truyền thống gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam. Cứ theo như Phật giáo thì mọi chúng sinh trong lục đạo luân hồi được hưởng phúc hay gánh họa đều từ nhân - quả mà ra; chả có gì có thể cải thiện được cuộc sống của người nơi cõi âm nếu như khi còn sống người đó luôn gieo nhân tạo nghiệp xấu. Mặt khác, việc đốt, rải vàng mã thái quá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe những người xung quanh có thể xem như tạo nghiệp xấu sau này cho người đang sống thực hiện nó. Đáng tiếc là hiện nay trong cơ chế thị trường có không ít cơ sở chùa chiền đã thỏa hiệp, dung dưỡng cho hiện tượng đốt vàng mã một cách thái quá ngay trong cơ sở thờ tự, hay rải dọc đường trong đám tang. Do vậy, đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề này, vì việc đốt, rải vàng mã trong dịp lễ, ma chay không chỉ là sự phi lý xét cả ở góc độ tâm linh, mà còn là sự phản cảm trong một xã hội hiện đại khi đã đi quá giới hạn, chừng mực cần thiết và thực sự không phù hợp với nếp sống đô thị văn minh, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
 
     Sâu trong mỗi con người chúng ta đều chứa đựng một chút tâm linh tín ngưỡng, nhưng không thể vì vậy mà làm ảnh hưởng đến xã hội. Tín ngưỡng tâm linh giúp chúng ta nhớ về nguồn cội, bồi đắp tình thương và lòng nhân ái cho con người, tuy nhiên nếu không hiểu đúng thì nó lại trở thành vấn đề nguy hại. Có lẽ chúng ta cần phải có một cách nhìn nhận rõ hơn cho tục đốt, rải vàng mã hiện nay. Nó là hủ tục hay mỹ tục sẽ do mọi người tự suy ngẫm và quyết định thái độ hành xử của mình là nên bài trừ hay duy trì, nhưng mọi người rất cần lưu ý một điều rằng việc đốt, rải vàng mã như vậy, cái lợi cho các bậc tổ tiên đã khuất của mình đâu chưa thấy, nhưng cái hại đối với cộng đồng xã hội nói chung, cho con em mình và ngay chính bản thân mình đã bộc lộ rõ ràng trước mắt vì đã góp phần hủy hoại môi trường sống của chúng ta./.
 
 

Thành phố Vũng Tàu tích cực tuyên truyền các cơ sở mai táng không rãi vàng mã trên đường đưa tang

đã có kết quả tích cực (ảnh: Thắng Cảnh) 

Bài: Vân Anh, BBT


Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu