Liên Kết Website Liên Kết Website
Tin du lịch Tin du lịch
Tham quan Núi Nứa và kiến trúc cổ của Nhà Lớn - Long Sơn
09:22 | 03/07/2014 Print   E-mail    

 

Xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) hiện còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán cũ xưa với cảnh trí thiên nhiên hữu tình cùng những ngôi nhà kiến trúc theo lối cổ có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với khách du lịch. Trong đó quần thể núi Nứa và khu di tích Nhà Lớn hợp thành thắng cảnh độc đáo.
 
 
Xuôi quốc lộ 51, ngay địa phận xã Phước Hoà (huyện Tân Thành) nhìn về phía Nam, du khách sẽ thấy vùng sông nước mênh mông với màu xanh ngút ngàn, trải hút tầm mắt. Nổi lên giữ thảm xanh mượt mà là dãy núi đất tựa như con rồng khổng lồ đang giỡn mình trên sóng nước. Đó là núi Nứa- Long Sơn, dãy núi mà tên của nó một thời dùng làm địa danh cho cả hòn đảo. Tương truyền, xưa kia trên núi có nhiều cây nứa mọc thành rừng nên người dân địa phương đã lấy tên của cây để đặt tên cho núi. Quần thể núi Nứa ở về phía đông của đảo Long Sơn, dài trên 6km, bề ngang rộng nhất là 2km. Đây là đoạn cuối cùng nhô ra biển của dãy núi Phước Hoà- dãy núi chiếm 30% diện tích của đảo Long Sơn với 3 đỉnh cao tạo thành thế chân vạc: đỉnh Bà Trao cao 183m, đỉnh Hố Rồng 120m và phía nam có đỉnh Hố Vông cao trên 100m. Trên đỉnh Bà Trao tọa lạc hòn đá cao hơn 5m (được gọi tên là Hòn Một) và đền thờ ông Đội Nguyễn Văn Đằng, người đã anh dũng cầm quân kháng chiến chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Hàng năm, cứ vào ngày 10-11 âm lịch, người dân trong vùng lại đội lễ dâng hương tưởng niệm ông Đội. Cách Hòn Một không xa, hai khối đá dài bắc ngang tựa như con tàu biển nên gọi là Hòn Tàu. Núi Nứa còn gắn liền với những truyền thuyết xa xưa như giếng nước ngọt trong mát bên sườn núi Nứa tương truyền do Bà Lài, người phụ nữ có công khẩn hoang lập ấp bên sườn núi Nứa, đào từ cuối thế kỷ XIX.
 
Từ di tích Nhà Lớn, du khách đi theo một đường mòn nhỏ khoảng 300m lên núi Nứa. Nếu đi nhanh, chỉ mất hơn 30 phút du khách đã chinh phục được ngọn núi này. Đặc biệt, vào các dịp lễ hội, du khách tới tham quan núi Nứa rất đông. Từ đỉnh Bà Trao, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng đất trời, biển khơi. Trước mặt là thảm rừng ngập mặn xanh tươi cây lá, những kênh rạch đan xen như trận đồ bát quái. Xa xa quốc lộ 51 như cánh cung khổng lồ vẽ lên đường viền từ Bắc tới Nam. Dọc theo cánh cung là khu công nghiệp dịch vụ trải dài từ TP. Bà Rịa tới Sao Mai – Vũng Tàu và hàng loạt hải cảng với những con tàu tấp nập ngược xuôi. Dưới chân núi Nứa có hồ nước ngọt Mang Cá và một quần thể kiến trúc độc đáo của Nhà Lớn – Long Sơn. Di tích toạ lạc tại thôn 5, cách bến đò Cồn Bần khoảng 2km, với tổng diện tích trên 2ha. Bố cục của Nhà Lớn chia làm ba phần riêng biệt bao gồm: khu đền thờ; nhà Long Sơn hội, trường học, nhà chợ, nhà mát, nhà bảo tồn ghe sấm, các dãy phố quanh chợ và lăng mộ Ông Trần, người đã tạo lập ra khu dân cư mới ở vùng đông nam đảo Long Sơn, tổ chức xây dựng từ năm 1910 đến 1935. Lịch sử xây dựng Nhà Lớn có cùng quá trình lịch sử hình thành và phát triển của ấp Bà Trao.
 
Ngày nay du khách đến viếng Đạo ông Trần vẫn còn nhìn thấy nguyên vẹn những kiến trúc cổ xưa. Vào tận nơi tham quan, du khách còn được chiêm ngưỡng một số cổ vật quý hiếm bằng gỗ, như bộ tủ thờ chạm trổ của các nghệ nhân Hà Đông (Bắc Bộ) gồm 33 món cực kỳ tinh xảo; bộ bàn ghế Bát Tiên tương truyền là của Vua Thành Thái triều Nguyễn; chiếc long sàng và các ghế theo kiểu dành cho vua, chạm khắc tinh vi, đẹp mắt. Những gì còn lưu dấu lại ở đảo Long Sơn, cho thấy một bức tranh đa dạng về tín ngưỡng tôn giáo, về nghệ thuật dân gian rất phong phú của Long Sơn. Vì vậy, vùng đất này ngày càng có sức hấp dẫn du khách.
 
Bài, ảnh:  Họa Hạ
BBT.
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu