Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Giai cấp công nhân Việt Nam thực sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
07:40 | 29/04/2018 Print   E-mail    

Kỷ niệm 132 năm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 (1/5/1886 -1/5/2018)

Giai cấp công nhân Việt Nam thực sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

-------------- 

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giai cấp công nhân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, chủ yếu và tiên phong của dân tộc, có vinh dự và trách nhiệm nặng nề là nhân lên vận hội mới của đất nước bằng đẩy nhanh hơn nữa nhịp độ phát triển nền công nghiệp và dịch vụ với năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, nhằm đáp ứng, thoả mãn yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, giai cấp công nhân Việt Nam phải đứng vững, cạnh tranh quyết liệt và tự chủ về kinh tế. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội.

Công nhân Việt Nam – nguồn ảnh: Internet 

Những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại  hóa đất nước". Có thể thấy rằng, Nghị quyết Trung ương đã đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðội ngũ công nhân nước ta ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành nghề, với trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp được nâng lên đáng kể. Ðội ngũ công nhân đang tăng nhanh trong một số ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế (điện lực, dầu khí, điện tử, tin học, viễn thông...); đồng thời cũng đang phát triển mạnh ở một số ngành sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu (dệt may, giày da, chế biến thủy sản...). Ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức (có trình độ cao đẳng, đại học trở lên) làm công tác quản lý sản xuất kinh doanh, nghiên cứu và quản lý khoa học kỹ thuật gắn với sản xuất kinh doanh hoặc trực tiếp sản xuất. Hàng chục vạn cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý doanh  nghiệp sản xuất kinh doanh, công nhân bậc cao và thợ giỏi đã năng động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến có giá trị cao được áp dụng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến đầu năm 2018, tổng số công nhân nước ta chiếm tỷ lệ khoảng 13% dân số và 24% lực lượng lao động xã hội, bao gồm: số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tư nhân và tập thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; số công nhân làm việc trong các hộ sản xuất kinh doanh cá thể (trong lĩnh vực công nghiệp hoặc có tính chất công nghiệp); số lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài (chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp); số lao động chân tay trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, đoàn thể.

Qua 32 năm thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước (1986-2018), giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng; đóng góp trực tiếp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Giai cấp công nhân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội và xuất khẩu với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Giai cấp công nhân nước ta hiện nay thích nghi tương đối nhanh với cơ chế thị trường, tư tưởng trông chờ vào bao cấp của Nhà nước được khắc phục rõ rệt; đã bắt đầu hình thành được ý thức về giá trị của bản thân trong lao động; đã xuất hiện một bộ phận công nhân có cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Trong quá trình hình thành và thực hiện đường lối đổi mới, công nhân nước ta, đặc biệt là đội ngũ công nhân trí thức, đã phát huy tinh thần sáng tạo, đề xuất nhiều giải pháp quý báu cho Ðảng, Nhà nước đúc rút thành những chủ trương và chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thì một bộ phận giai cấp công nhân, nhất là trong khu vực doanh nghiệp nhà nước có bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp vững vàng. Ðại đa số công nhân tin tưởng vào Ðảng, Nhà nước, chế độ, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, có ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, cần cù lao động, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Quan tâm mong muốn hàng đầu của công nhân hiện nay là có việc làm ổn định và thu nhập công bằng, bảo đảm đời sống; đất nước phát triển, chính trị - xã hội ổn định, dân chủ và công bằng xã hội được đảm bảo; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi; được bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về vật chất và tinh thần, quyền được tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, quyền được đối xử bình đẳng, được chăm sóc sức khỏe, học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Cùng với các giai cấp, tầng lớp và thành phần xã hội khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân nước ta là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Ðảng và Nhà nước.

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước sẽ tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại  hóa đất nước", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động và trong toàn xã hội về vị trí, vai trò giai cấp công nhân. Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam tiến bộ về mọi mặt là trách nhiệm của các Cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp và toàn xã hội, để đưa đất nước Việt Nam thành công trong tiến trình đi lên công nghiệp hóa và hiện đại hóa./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu