Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Giúp trẻ mầm non tự tin hơn khi bước vào lớp 1
05:11 | 11/08/2016 Print   E-mail    

Chia tay mùa hè, những trẻ em mầm non chuẩn bị bước vào lớp 1 được coi như bước sang một môi trường mới, hoàn toàn khác. Thầy cô mới, bạn bè mới, cách học mới. Trẻ không còn được thay đổi trò chơi một cách liên tục mà thay vào đó là một tiết học 45 phút. Chính vì thế, không nhiều thì ít, trẻ đều gặp những hụt hẫng và khó khăn nhất định, phần nhiều do sự khác biệt về môi trường và yêu cầu học tập. Hiểu được điều này, phụ huynh nên có những phương pháp giúp con thích nghi nhanh và tìm được niềm vui, sự tự tin hơn khi bước vào lớp 1.

Học sinh lớp Lá trường mầm non Họa Mi, phường Rạch Dừa,

TP Vũng Tàu trong ngày chia tay năm học 2015-2016 để chuẩn bị vào lớp 1 

Chúng ta đều có thể thấy rằng, khi ở trường mầm non, trẻ được các cô giáo chăm sóc chu đáo trong mọi hoạt động, trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào cô. Còn khi vào lớp 1, trẻ phải tự lập hoàn toàn từ cách học, tự cất giữ đồ dùng học tập, tự soạn bài theo thời khóa biểu, chuẩn bị đồ dùng học tập cách ăn uống, vệ sinh, đánh răng, rửa mặt. Cho nên ngay từ khi trẻ ở trường mầm non cô giáo cũng phải chuẩn bị cho trẻ tâm lý sẵn sàng với những kiến thức và kỹ năng biết cần thiết cho hoạt động học tập.

Rồi khi trẻ sắp vào lớp 1, nhiều bố mẹ rất lo lắng và ráo riết chuẩn bị nhưng lại không đúng cách, như bắt con ngày đêm học tô chữ, tập viết, làm toán... cho thật thành thạo. Nhiều trẻ vì biết chữ trước, đến lúc đi học chủ quan, không chú ý. Việc học trước cũng gây vất vả cho bé. Năm học mới 2016 – 2017 đang đến gần, các em sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện nội quy học tập, khả năng điều khiển tâm lý của bản thân còn kém. Các em chưa ý thức được rõ giới hạn giữa chơi và học nên gặp nhiều khó khăn trong khi chuyển trạng thái từ hoạt động chơi sang học, trẻ chưa biết phân bố thời gian giữa các môn sao cho phù hợp. Đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi này phải làm quen với phương pháp học tập mới, học nhiều môn khác nhau, kể cả những môn các em không thích.

Mới bước sang tuổi thứ 6, các em cũng khó thiết lập mối quan hệ với thầy cô, bạn bè. Mặt khác, khi đi học lớp 1, trẻ tự nhận thấy mình đã lớn, phải có vai trò và trách nhiệm mới đối với gia đình. Đây là những rào cản lớn với trẻ. Trong thời điểm này, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho trẻ, ngoài quần áo, đồ dùng học tập... thì việc tạo cho trẻ một tâm lý sẵn sàng là rất quan trọng. Hãy nói với trẻ biết trước về môi trường mới, thầy cô mới, nội dung học tập mới, những khó khăn cũng như thuận lợi nhất định để trẻ tập làm quen ngay ở nhà. Cha mẹ tạo điều kiện thuận lợi cho con học tập, xây dựng bầu không khí gia đình luôn vui vẻ, ấm cúng, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, tạo cho trẻ tâm lý thoải mái trong khi học tập.

Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, tôn trọng nhân cách trẻ, động viên các em trong suốt quá trình học tập... là con đường ngắn nhất để cùng trẻ khắc phục những khó khăn tâm lý ở những ngày đầu khi bước vào lớp 1. Nhằm giúp trẻ chuẩn bị sẵn sàng, tự tin bước vào lớp 1 ngoài việc trò chuyện, trao đổi, đàm thoại, xem tranh, hình ảnh về ngôi trường trẻ được học khi vào lớp 1, sẽ không có gì thiết thực hơn là cho trẻ trực tiếp đến thăm quan trường tiểu học, để giúp trẻ không bị hoang mang, bỡ ngỡ, lo sợ.

Nói tóm lại, đối với mỗi trẻ em, bước vào lớp 1 như một bước ngoặt ở những tháng ngày tuổi thơ trong trẻo. Vì vậy phụ huynh và nhà trường cần chuẩn bị tâm lý và thói quen tốt nhất để trẻ có những niềm vui và sự tự tin khi bước vào năm đầu tiên của bậc Tiểu học./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu