Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Nhọc nhằn nghề nuôi dạy trẻ mầm non
05:32 | 03/03/2016 Print   E-mail    

Với các cô giáo mầm non, công việc hằng ngày không chỉ là dạy mà còn phải chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Vừa là cô giáo, vừa như một người mẹ, một nhân viên y tế… với thời gian làm việc 10 tiếng, thậm chí 12 tiếng/ngày, nhưng đồng lương hiện quá thấp, đã tạo ra áp lực rất lớn đối với giáo viên mầm non.

 

Sáng nào cũng vậy, khi đồng hồ điểm 6g30, cô Nguyễn Thị Hồng Nhinh, giáo viên Trường Mầm non Châu Thành, TP Vũng Tàu cũng phải có mặt tại trường  để mở cửa lớp, dọn dẹp, vệ sinh phòng học cho thông thoáng trước khi đón trẻ. Sau khi nhận trẻ xong, cô Nhinh lại xoay như chong chóng với việc dạy trẻ tập thể dục buổi sáng, hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân, dạy trẻ học bài theo từng chủ điểm, chủ đề, lo cho trẻ ngủ, ăn điểm tâm, trông trẻ cho đến giờ trả. Với sĩ số học sinh 35 em/lớp, nhưng chỉ có 2 giáo viên phụ trách, cô Nhinh và đồng nghiệp của mình phải làm việc cật lực, không ngơi nghỉ mới chăm sóc và dạy trẻ đúng theo giờ giấc mà nhà trường đã quy định.

Vất vả là vậy, nhưng so với các đồng nghiệp phụ trách nhóm, lớp trẻ nhỏ tuổi hơn hay các giáo viên ở các trường dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ, cô Nhinh vẫn được tiếng là đỡ cực nhọc hơn. Bởi ít nhiều, lớp trẻ 4 đến 5 tuổi do cô phụ trách đã có thể phụ giúp cô giáo một số công việc, như tự thay quần áo, chăm sóc bản thân. Còn với giáo viên phụ trách chăm sóc trẻ từ 18 tháng đến 2 hay 3 tuổi, hoặc giáo viên dạy trẻ tự kỷ, khuyết tật, công việc còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Các cô vừa phải dạy học, vừa phải làm vai trò của một người mẹ, từ bưng bê thức ăn từ nhà bếp lên phòng ăn cho học sinh; thay yếm; đút cho trẻ ăn; thay, giặt quần áo; làm vệ sinh khi trẻ đi tiểu tiện, đại tiện; rửa toilet học sinh; quét và lau phòng học, hành lang lớp học...và nhiều việc không tên khác, các cô phải làm tất. Chưa kể đến việc với những học sinh lần đầu đến lớp chưa thích nghi được với môi trường học tập, bạn bè, giáo viên thường phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để giúp trẻ hòa nhập. Mỗi trẻ một cá tính, giáo viên phải có phương pháp ứng xử khác nhau. Với những học sinh cá biệt, giáo viên phải dùng những phương pháp đặc biệt, thậm chí phải dành giờ dạy riêng để giúp trẻ tiến bộ.

Cô Bùi Thị Minh Lý- Giáo viên có thâm niên hơn 5 năm dạy trẻ tự kỷ tại trường MN Phước An, Phường 7, TPVT cho biết: “Chăm sóc các bé tự kỷ ở đây khác với trẻ thường. Các cháu nói không nghe và tự làm theo ý mình nên công việc của giáo viên rất vất vả. Chúng tôi phải lo giúp cho các cháu từ giấc ngủ đến miếng ăn, rồi việc vệ sinh cá nhân, mọi sinh hoạt của các cháu đều phải có cô trợ giúp thì các cháu mới làm được. Chúng tôi không bao giờ được nghỉ trưa, bởi vì còn phải trông chừng nhiều cháu có những hành vi tự làm mình tổn thương như như la hét, cào cấu, tự đánh vào mặt mình. Nhiều cháu còn đánh và chửi mắng cô giáo nữa. Công việc áp lực như thế, nếu không yêu nghề và thương các cháu thì giáo viên không thể trụ nỗi với nghề..”

Cô Lê Thị Chính Lan- Hiệu trưởng Trường mầm non  Phước An, Phường 7, TPVT chia sẻ: “ Khi đã dấn thân vào làm ngành mầm non, và đặc biệt là giáo dục mầm non đặc biệt thì mình đã phải xác định công việc này vô cùng gian nan và vất vả. Công việc này đòi hỏi chữ nhẫn phải đặt lên hàng đầu, phải  tỉ mỉ từng li từng tí một.”

Hiện nay, tại Thành phố Vũng Tàu, do số lượng trường mầm non ít hơn so với nhu cầu nên mỗi trường mầm non( đặc biệt là trường công lập) luôn ở trong tình trạng quá tải, sĩ số trẻ trên mỗi lớp trên dưới 40 học sinh. Mỗi lớp chỉ có từ 1 đến 2 giáo viên phụ trách, do đó mỗi giáo viên phải chăm sóc, dạy dỗ cho khoảng 20 trẻ, thậm chí gần 40 trẻ cùng lúc. Và với trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi, trẻ tự kỷ, khuyết tật, các em hầu như chưa ý thức được việc mình làm. Vì vậy đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên quan sát, theo dõi để kịp thời xử lý những tình huống bất trắc có thể xảy ra với trẻ. Hơn thế, ngày nay, khi gửi trẻ vào các trường mầm non, các bậc phụ huynh thường có yêu cầu cao đối với nhà trường và giáo viên như: trẻ phải phát triển tốt về trí tuệ, tăng cân đều, không đau ốm, không bị trầy xước và khỏe mạnh. Đây cũng là áp lực lớn đối với giáo viên mầm non. Ngoài áp lực công việc, áp lực từ phía phụ huynh, giáo viên mầm non còn phải chịu áp lực thi đua trong trường, trong ngành, thi đua giữa giáo viên này với giáo viên khác...Các cô thường xuyên phải tìm tòi, sáng tạo các đồ dùng dạy học, tham gia hội giảng để nâng cao trình độ và chất lượng giảng dạy.

Công việc nặng nề và đầy áp lực như vậy, nhưng chế độ đãi ngộ cho giáo viên bậc mầm non hiện còn quá thấp. Với các giáo viên có tuổi nghề trên 20 năm mới có tổng thu nhập xấp xỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng, trong đó đã bao gồm tiền phụ cấp đứng lớp 35% mức lương/tháng theo quy định của Nhà nước. Còn với giáo viên mới ra trường hoặc mới về công tác vài năm thì tổng thu nhập chỉ khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp kéo theo đó cuộc sống của các giáo viên mầm non cũng hết sức vất vả, chật vật.

Cô Nguyễn Thị Hồng Nhinh, giáo viên Trường Mầm non Châu Thành cho biết: “Tôi làm việc tại trường Mầm Non Châu Thành được gần 10 năm. Một ngày tôi và các đồng nghiệp phải làm việc từ 10 tiếng, thậm chí là 12 tiếng, buổi trưa thì không được nghỉ, nhưng lương và chế độ phụ cấp rất thấp. Tổng thu nhập 1 tháng của tôi được khoảng 4 triệu đồng, trong đó 3,5 triệu là tiền lương cộng với 35% tiền phụ cấp đứng lớp. Với mức lương như vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về đời sống. Vì làm việc ở trường từ sáng cho đến tối, giáo viên mầm non không thể làm thêm được việc gì khác để kiếm thêm thu nhập. Tôi rất mong các cấp lãnh đạo sẽ quan tâm hơn đến chế độ của giáo viên mầm non, làm sao có chế độ phù hợp với sức lao động mà chúng tôi bỏ ra”.

Cô Bùi Thị Minh Lý- Giáo viên trường MN Phước An cho biết: “Với mức thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, tôi phải chật vật lắm mới lo được được việc ăn học cho 2 con. Bởi vì chồng tôi làm công nhân xây dựng lương rất thấp, công việc lại không ổn định, gia đình còn phải đi thuê phòng trọ nữa nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Nhiều lúc tôi muốn bỏ nghề đi tìm công việc khác thu nhập cao hơn để cho cho cuộc sống, nhưng cứ nghĩ đến việc ai cũng bỏ việc như mình thì các cháu tự kỷ sẽ ra sao khi không có giáo viên dạy dỗ, tôi lại bỏ ý định đó. Tôi mong nhà nước sẽ có sự hỗ trợ nào đó cho những giáo viên như chúng tôi để chúng tôi yên tâm công tác và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của học sinh, của ngành giáo dục và xã hội”

Để giáo viên mầm non giảm bớt áp lực và làm tốt hơn vai trò nuôi dạy trẻ, cần có sự chia sẻ, cảm thông từ các cấp, các ngành và trên hết là từ các bậc phụ huynh học sinh. Sự đãi ngộ tốt đối với ngành giáo dục mầm non, sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trong thời gian tới.


Bài, ảnh: Minh Anh, BBT

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu