Liên Kết Website Liên Kết Website
Tin du lịch Tin du lịch
Lễ hội – bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc!
10:07 | 22/02/2016 Print   E-mail    


Trải qua hàng ngàn năm lịch sử với đặc trưng là văn minh lúa nước thì lễ hội ở nước ta là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ đạo. Đặc điểm đó đem đến cho “lễ hội truyền thống Việt Nam như một bảo tàng sống” khi lễ hội mang đặc trưng của đời sống vật chất, văn hoá tinh thần, hay nói cách khác là văn hóa vật thể và văn hoá phi vật thể của mỗi cộng đồng, dân tộc, của vùng miền khác nhau. Lễ hội truyền thống Việt Nam có hai nội dung chính là phần lễ và phần hội. Hai yếu tố này quan hệ quan chặt chẽ với đời sống con người. Nghi lễ gồm các hoạt động tâm linh của con người mang tính chất linh thiêng, thần bí qua hoạt động thờ cúng, tín ngưỡng, tôn giáo. Hội là hoạt động của con người mang tính chất vui chơi, giải trí như chơi đánh đu, đánh còn, hát xướng... Có thể nói, lễ hội là hoạt động của con người trong đời sống tâm linh, là văn hóa tinh thần của cộng đồng và là hình thức để duy trì bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “Thần” - những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Hình tượng các vị thần linh đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm; những người khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp; những người chống chọi với thiên tai, trừ ác thú; những người chữa bệnh cứu người; những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc... Lễ hội là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân tộc.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 8.000 Lễ hội được tổ chức một năm. Ở nước ta có 4 hình thức tổ chức lễ hội gồm: Lễ hội dân gian; Lễ hội lịch sử cách mạng; Lễ hội tôn giáo; Lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt như Lễ Giáng sinh của người Công giáo đang trở thành ngày lễ mang nhiều ý nghĩa, nét đẹp du nhập hòa quyện với đời sống người dân Việt Nam. Nhân dân đã có ý thức tôn vinh các hoạt động văn hóa truyền thống dân tộc nên nhiều lễ hội được khôi phục và phát triển. 

Rước cá Ông trong lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu năm 2015, ảnh: Trần Việt

Hòa trong bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, thành phố Vũng Tàu không chỉ nổi tiếng bởi những bãi biển đẹp mà còn có nhiều lễ hội dân gian đặc sắc như lễ hội Nghinh Ông, Trùng Cửu, Miếu Bà Ngũ Hành... thu hút du khách. Lễ hội Nghinh Ông còn được xem là nét đẹp văn hoá tiêu biểu của ngư dân miền biển. Lễ hội rộn ràng trong ba ngày, thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương tới tham dự, được diễn ra từ từ ngày 16 đến 18/8 âm lịch tại Đình thần Thắng Tam, đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu. Vào sáng sớm ngày đầu của buổi lễ, hàng trăm ngư dân cùng các bô lão trang phục chỉnh tề, chiêng trống uy nghiêm, bắt đầu từ khu biển Bãi Trước đến miếu Hòn Bà ở mũi Nghinh Phong làm lễ dâng hương, rượu, cúng tế thần biển xin nghinh thỉnh Ông về đình thần Thắng Tam để cúng tế. Sau những nghi lễ truyền thống là những hoạt động văn hóa hấp dẫn như hát bả trạo, hát bội, diễn tuồng… Hàng năm, cứ đến dịp lễ hội, người dân và du khách thập phương từ khắp nơi lại quy tụ về đây để thắp hương, khấn vái cầu an, tri ân các bậc tiền hiền và cá Ông, vị cứu tinh của ngư dân miền biển.

Ở thanh phố Vũng Tàu còn có hội đền Đức Thánh Trần, số 68 - Hạ Long, phường 2. Đây là nghi lễ được người dân Vũng Tàu tổ chức hàng năm theo tập tục dân gian, nhằm bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đối với Thánh tướng Trần Hưng Đạo, người ba lần đem quân đánh bại quân Nguyên – Mông xâm lược, đem lại thái bình, hưng thịnh cho đất nước. Vào dịp lễ hội, hàng nghìn lượt du khách và người dân địa phương cùng tham dự lễ khai mạc và dâng hương. Còn lễ hội Trùng Cửu ở đảo Long Sơn diễn ra đêm mùng 8 và ngày mùng 9/9 âm lịch. Đây được xem là lễ hội cầu an cho toàn dân được mạnh khỏe, an lành, hạnh phúc. Lễ hội cho thấy một khía cạnh trong bức tranh đa dạng về tín ngưỡng tôn giáo, về nghệ thuật dân gian rất phong phú. Ngoài lễ hội Trùng Cửu, đảo Long Sơn luôn là điểm đến thu hút đông du khách thập phương….

Có thể thấy rằng, lễ hội truyền thống ở nước ta nói chung, thành phố Vũng Tàu nói riêng là dịp để bà con bày tỏ niềm thành kính, tôn vinh, tưởng nhớ công đức đối với các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối, các vị thánh thần đã có công xây dựng và bảo vệ làng, bản, quê hương, đất nước. Điều bổ ích mà lễ hội mang lại cho mọi người là đạo đức truyền thống uống nước, nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, đền ơn đáp nghĩa với người có công đức với cộng đồng, dân tộc. Lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo góp phần bồi đắp thêm cho con người lòng nhân ái, biết yêu thương nhau, trọng hiếu nghĩa, phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Đó cũng chính là cái cốt lõi về giá trị đạo đức văn hóa các tôn giáo góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Lễ hội cũng là dịp để tôn vinh, nghề, làng nghề, tổ nghề, bảo tồn phát huy nghề truyền thống. Lễ hội còn là nơi cung cấp một cách sinh động những kiến thức văn hóa dân gian, những sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng để truyền nối cho công chúng qua các thế hệ. Tham gia lễ hội còn tăng cường tình đoàn kết, Lễ hội là nhịp cầu nối các làng bản, các cộng đồng, các dân tộc, các vùng miền với nhau. Thông qua các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo hiểu nhau hơn, biết thông cảm, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, biết đoàn kết gắn bó với nhau cùng ngăn chặn mọi hiểm họa. Khối đoàn kết cộng đồng thông qua lễ hội tín ngưỡng tôn giáo ngày càng keo sơn gắn bó, đó cũng chính là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong lễ hội ở Việt Nam./.

Bài: Lê Ngân, BBT

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu