Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Hãy nói không với bạo hành trẻ em
08:40 | 07/10/2015 Print   E-mail    

Sự phát triển của đất nước trong tương lai phụ thuộc vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày hôm nay. Đây là một công việc đòi hỏi kết hợp sự nỗ lực của gia đình, nhà trường và xã hội. Muốn làm tốt công tác này, trước hết cần có chủ trương, chính sách đúng đắn ở tầm vĩ mô, tiếp đó là tổ chức thực hiện chặt chẽ, có bài bản ở cơ sở.

Những ngày gần đây, giới truyền thông đã lên tiếng phẫn uất đưa tin vụ bạo hành trẻ em ở Quảng Bình: Bé trai 14 tháng tuổi bị trói chân tay, nhét giẻ vào miệng ở một cơ sở mầm non  tư thục. Chưa bao giờ dư luận xã hội lại thấy bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này. Có một điều không thể phủ nhận là, những đứa trẻ bị bạo hành chịu ảnh hưởng rất lớn về tinh thần lẫn thể chất. 

Bé trai 14 tháng tuổi bị trói chân tay, nhét giẻ vào miệng tại lớp mầm non

(Bé bị trói ngược tay ra sau - Ảnh từ nguồn Internet) 

Quan niệm của người lớn, của một số cơ sở mầm non tư thục về giáo dục trẻ bằng roi chính là mắt xích  gây ra những sự việc này. Chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến trẻ nhỏ. Từ quan niệm “Phải đánh mới nên người",  phải dùng bạo lực thì các cháu mới ngoan, mới chịu ăn mà nhiều bậc cha mẹ, một số cô giáo mầm non không chuyên đã đánh đòn con mình như một biện pháp trừng phạt giúp trẻ không mắc lỗi lần sau. Nguyên nhân của tư tưởng bạo hành này có thể đến từ sự thỏa hiệp với bạo lực được truyền thụ từ thế hệ trước. Một nguyên nhân khác có thể đến từ quá khứ bị ngược đãi của cha mẹ và họ tiếp tục truyền lại cho con cái những "quả ngọt" họ vặt hái. Cũng có thể kể đến áp lực công việc, nỗi lo cơm áo gạo tiền đã dồn đẩy cha mẹ, cô giáo chuyển từ tình thương sang roi vọt mà không ý thức được tác hại nguy kịch lên bản thân. Rồi cha mẹ chia tay, đẩy con cái đến cảnh mẹ ghẻ, cha giượng cũng là nguyên nhân gây nên việc bạo hành trẻ em…Còn có những trường hợp thú tính từ trong gốc máu thì tất yếu sẽ đưa trẻ "lên sàn" bạo lực. Những đối tượng này cần được điều trị tâm lý kịp thời để tránh tổn hại lên con nhỏ. 

Xã hội đang giật mình thon thót và phẫn uất khi xem những hình ảnh, đoạn phim ghi lại thương tật của trẻ nhỏ dưới đôi bàn tay bạc ác của cô giáo mầm non tư thục tự phát. Còn người trong cuộc thì sao? Những kẻ tạo tác có tâm thì sám hối xối xả, vô tâm thì thinh lặng quăng bom bạo lực. Chỉ có trẻ em là đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất. Có những em chịu thương tổn về thể chất, có em sang chấn tâm lý mạnh phải điều trị lâu dài. 

Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em đã quy định tương đối đầy đủ các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Luật quy định: “Trẻ em là công dân dưới 16 tuổi...; mọi trẻ em không phân biệt đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”. Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em cũng nghiêm cấm không được: “Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi... Dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy..., hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành trẻ em...”.

Những vụ việc bạo hành trẻ em đã và đang dần được đưa ra ánh sáng nhờ các thông tin kịp thời của những người yêu trẻ, các phương tiện thông tin đại chúng. Khi nhờ đến bàn tay của pháp luật, những kẻ tạo tác sẽ chẳng thể vu vạ cho số phận để vòng vo tránh tội. Tất cả điều đó như những tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi gia đình và toàn xã hội. Chúng ta hãy chung tay vì một xã hội không bạo hành trẻ em vì “Trẻ em hôm nay là thế giới của ngày mai”./.

                                                                                             Bài: Lê Ngân, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu