Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Áp dụng mô hình trường học mới: nhiều trường vẫn còn gặp khó
11:12 | 16/10/2014 Print   E-mail    

Mô hình trường học mới VNEN:
Bài 2: Áp dụng mô hình trường học mới: nhiều trường vẫn còn gặp khó
------------------------

Nhằm đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, qua đó phát huy khả năng chủ động, sáng tạo của học sinh tiểu học, đầu năm học 2014-2015 vừa qua, Sở GD-ĐT tỉnh đã nhan rộng mô hình trường học mới tại 84 trường học trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai, nhiều trường đã gặp phải khó khăn do sĩ số đông, cơ sở vật chất không đảm bảo, học sinh còn thụ động, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, sách giáo khoa chưa phù hợp với chương trình.
 
 
Mục tiêu của mô hình trường học mới VNEN là lấy hoạt động học làm trung tâm, do đó giáo viên không còn truyền thụ kiến thức cho học sinh theo kiểu một chiều như trước đây, mà chủ yếu là hướng dẫn, gợi mở và tương tác. Học sinh sẽ phải tự học theo nhóm và giáo viên tập trung theo dõi, hỗ trợ khi cần thiết.  Với cách dạy và học mới này, học sinh không ngồi hướng mặt đồng loạt lên bục giảng theo kiểu truyền thống mà ngồi quay mặt vào nhau học theo nhóm. Tuy nhiên, với diện tích phòng học nhỏ hẹp và sĩ sỗ học sinh quá đông, nhiều trường tại TPVT đã không thể sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh theo mô hình trường học mới. Một số trường có sắp xếp thì cũng gặp trở ngại, hạn chế trong các hoạt động.
 
Cô Vũ Thị Việt Hoa- Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long, Thành phố Vũng Tàu chia sẻ: “Theo mô hình trường học mới thì một lớp học chỉ có khoảng 28, tối đa là 30 học sinh, thế nhưng thực tế trường chúng tôi và các trường khác trên TP. Vũng Tàu đều vượt quá con số này, thế nên việc cho các em ngồi học theo nhóm  hơi khó khăn. Hoặc giả sử có bố trí được thì kiến trúc bố trí lớp học theo kiểu truyền thống vẫn chưa đáp ứng được. Ví dụ các em ngồi học theo nhóm nhưng các em vẫn phải quay lên bảng lớp , như vậy rất bất tiện cho các em”.
 
Do đòi hỏi của mô hình trường học mới, không gian lớp học phải được thiết kế thêm các góc hoạt động như: “Góc học tập”, “Góc cộng đồng”, “Thư viện lớp học”, hòm thư “Điều em muốn nói”..v..v....Để trang trí cho mỗi góc hoạt động này, học sinh và giáo viên phải sử dụng các vật liệu gỗ, tranh ảnh, giấy bìa, giấy màu, hoa giấy....v..v.. Tuy nhiên, các trường không được cấp kinh phí nên để làm được việc này nhà trường phải vận động phụ huynh học sinh tham gia đóng góp, song không phải phụ huynh nào cũng mặn mà và có điều kiện để ủng hộ, do đó các góc hoạt động trong lớp của học sinh vẫn còn nghèo nàn, đơn sơ. Mặt khác, khi áp dụng mô hình VNEN, các trường buộc phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, với nhiều địa phương, nhất là những địa phương còn thiếu trường lớp, thiếu giáo viên như TP Vũng Tàu, huyện Tân Thành, Đất Đỏ, thì đây là việc khó thực thi.
 
Không những thế, việc vẫn phải sử dụng bộ SGK truyền thống thay vì bộ SGK dành riêng cho mô hình trường học mới cũng làm hạn chế mục tiêu mà mô hình VNEN hướng tới. Hiện nay, ngoài trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng của huyện Châu Đức được sự tài trợ của Dự án trường học mới tại Việt Nam của Bộ GD-ĐT nên tất cả học sinh đều được cấp phát miễn phí bộ SGK dành riêng cho mô hình VNEN, còn lại các trường khác, do chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, lại thêm phần khan hiếm trên thị trường nên các trường vẫn phải tiếp tục sử dụng bộ SGK truyền thống.
 
Ông Nguyễn Thanh Giang – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết: “khó khăn của việc thực hiện theo mô hình trường học mới là phải thực hiện theo SGK mới, vì vậy mà hiện nay Sở GD cũng đang chỉ đạo cho các phòng GD động viên các nhà trường, các bậc phụ huynh tích cực tham gia vào việc thực hiện các tiêu chí của mô hình trường học mới. Bởi vì BRVT chúng ta là tỉnh có đk về kinh tế cho nên chủ trương của Bộ không cho tỉnh ta về kinh phí để thí điểm mô hình THM này”.
 
Cô Vũ Thị Việt Hoa- Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long, Thành phố Vũng Tàu cho biết: “Bộ SGK theo mô hình trường học mới đã được Sở GD khuyến khích đăng ký với Sở GD- ĐT tỉnh để mua, thế nhưng khi đưa ra trưng cầu ý của phụ huynh thì cuối năm vừa rồi mặc dù đã động viên thuyết phục và đã động viên rất nhiều thế nhưng cũng còn phần nhiều phụ huynh còn e ngại với bộ SGK mới đấy. Cho nên việc đồng nhất SGK để dạy thì trường này chưa thực hiện được và các trường ở TPVT cũng gặp tình trạng tương tự”.
 
Lãnh đạo của một số trường tiểu học cho biết, cái khó khi áp dụng mô hình trường học mới còn chính từ giáo viên và học sinh. Vẫn còn khá nhiều GV và HS chưa quen được với mô hình mới, hình thức dạy học mới bởi phương pháp dạy học truyền thống: cô nói, trò nghe đã trở thành thói quen khó bỏ.
 
Thầy Nguyễn Khánh Thiệp- Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, huyện Châu Đứcnhận xét: “Đối với học sinh có học lực trung bình hoặc người dân tộc thiểu số, do khả năng tiếp thu tiếng Việt của các em có hạn cho nên khi áp ụng học theo mô hình này, các em tiếp thu có hơi chậm so với các bạn trong lớp. Đặc biệt các em còn thụ động chưa tích cực tham gia các hoạt động của Hội động tự quản”
 
Cô Hoàng Thị Ngọc Liên - Giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, huyện Châu Đức chia sẻ: “muốn đạt được giờ dạy tốt, theo tôi người GV  cần chuẩn bị chu đáo, từ bước nghiên cứu kỹ bài học của học sinh, từng bài học, rồi phương pháp tổ chức của giáo viên như thế nào cho học sinh phát huy hết khả năng tự học. Người giáo viên cũng cần chuẩn bị chu đáo các đồ dùng học tập cho học sinh như phiếu học tập cá nhân, phiếu cho các nhóm, đồ dùng cho các em thực hành, thí nghiệm, phiếu quan sát, vật thực đưa cho các em thực hiện. ....
 
Những khó khăn trên hiện đã và đang được ngành GD-ĐT tỉnh rút kinh nghiệm và nỗ lực tìm giải pháp khắc phục, nhằm phát huy hết những mặt tích cực của mô hình trường học mới, qua đó tiếp tục nhân rộng và có hiệu quả mô hình VNEN tại tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh và tiến tới các trường THCS trong những năm học tới.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.
 

  

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu