Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Bà Rịa Vũng Tàu nhân rộng mô hình trường học mới
10:56 | 16/10/2014 Print   E-mail    

Mô hình trường học mới VNEN:
Bài 1: Bà Rịa Vũng Tàu nhân rộng mô hình trường học mới
---------------
 
Mô hình Trường học mới tại Việt Nam ( VNEN) với định hướng lấy người học làm trung tâm đã và đang mang lại những thay đổi tích cực trong việc phát triển năng lực học sinh. Tham gia mô hình này, học sinh ngày càng tự tin, năng động và sáng tạo bởi phương pháp học tập mới.Năm học 2014 - 2015, được sự khuyến khích của Bộ GD-ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh đã nhân rộng mô hình VNEN  tại 50% trường tiểu học trong toàn tỉnh.
 
 
Từ năm học 2012 - 2013, Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm Mô hình Trường học mới tại 1.447 trường tiểu học vùng sâu vùng xa thuộc 63 tỉnh, TP trên cả nước, trong đó tại BRVT có trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức. Khi mới áp dụng, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng gặp không ít khó khăn do giáo viên chưa có kinh nghiệm, học sinh chưa quen với phương pháp học mới, trang thiết bị phục vụ mô hình trường học mới còn thiếu thốn; sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT cấp phát chậm, lại không đủ về số lượng; trường có nhiều HS người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp nhận phương pháp học mới còn chậm; phụ huynh học sinh đa số trong diện hộ nghèo nên sự phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục còn hạn chế. Tuy nhiên,  vượt qua tất cả những khó khăn trên, sau hơn 2 năm áp dụng mô hình trường học mới, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã gặt hái được những thành tích cao nhất từ trước tới nay: 100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học, gần 60% học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và tiên tiến, đội thiếu niên tiền phong của trường đạt danh hiệu Lá cờ đầu của bậc Tiểu học cấp huyện và cấp Tỉnh, hai giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, trường đạt danh hiệu lao động tiến tiến xuất sắc cấp cơ sở và giữ vững đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Theo đánh giá của các GV, hầu hết HS sau hai năm học với mô hình mới, các em không còn thụ động như trước đây, và trở nên tự tin, mạnh dạn và chủ động hơn hẳn so với HS cùng khối lớp học với mô hình truyền thống. Điều này rất có ý nghĩa đối với một ngôi trường có nhiều HS người dân tộc thiểu số học tập, lại thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.
 
Thầy Nguyễn Khánh Thiệp- Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, huyện Châu Đức nhận xét: “mô hình này hình thành kỹ năng và năng lực tự học cho người học mà cụ thể là các em ọc sinh. Qua việc học theo tài liệu hướng dẫn của mô hình trường học mới, các em phát huy được năng lực tự học, tự chịu trách nhiệm và thực hiện việc đánh giá kết quả học tập của bản thân các em cũng như của các bạn trong nhóm, từ đó hình thành cho các em các năng lực và các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp”.
 
Nhận xét về mô hình trường học mới, cô Hoàng Thị Ngọc Liên- Giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, huyện Châu Đức cho biết: “tôi nhận thấy cả giáo viên và học sinh trong  trường đã dần dần quen với mô hình này. Trong việc dạy và học, giáo viên của trường chúng tôi đã đạt được một số kết quả rất đáng mừng. Học sinh ngày càng tiến bộ hơn, kỹ năng giáo tiếp cũng tốt hơn, phẩm chất đạo đức các em cũng được bồi dưỡng tốt hơn. Riêng về giáo viên, quá trình tự học, tự nghiên cứu tài liệu, hoc hỏi nhau giữa đồng nghiệp nên tay nghề giáo viên cũng đã tiến bộ hơn trước nhiều”.
 
Kết quả của trường TH Đinh Tiên Hoàng là khởi điểm tích cực để ngành GD-ĐT BRVT tự tin triển khai nhân rộng mô hình VNEN tại 84/144 trường Tiểu học trong toàn tỉnh. Hầu hết học sinh, giáo viên ở các trường tiểu học mới được chọn áp dụng dạy và học theo mô hình mới đều tỏ ra phấn khởi, hứng thú.
 
Cô Vũ Thị Việt Hoa- Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long, Thành phố Vũng Tàu cho biết: “khi nhận được chỉ đạo của Sở và Phòng GD-ĐT, trường Tiểu học Hạ Long đã có những hoạt động tích cực nhất để tham gia một cách hiệu quả chỉ thị này. Trước tiên,  chúng tôi tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên và nhân viên trong trường, tìm hiểu bản chất của mô hình trường học mới. Chúng tôi đầu tư về cơ sở vật chất một cách tối đa, trang trí lớp học, tổ chức cho học sinh học tập theo nhóm để phát huy bản lĩnh, sự tự tin và phương pháp tự quản”.
 
Em Nguyễn Nhật Linh- Học sinh trường Tiểu học Hạ Long, Thành phố Vũng Tàu nhận xét: “Năm nay sau khi mô hình VNEN được triển khai thì việc trang trí lớp học trở nên bắt mắt hơn, em tiếp thu bài cũng dễ hiểu hơn và thuộc bài cũng nhanh hơn”.
 
Được biết, mô hình trường học mới khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn. Nhận thấy những ưu điểm của mô hình này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu áp dụng vào VN, triển khai thí điểm từ năm học 2012 – 2013. Mô hình trường học mới tại Việt Nam được cho là giải pháp đổi mới toàn diện, có tính hệ thống, bao gồm đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, cách thức tổ chức quản lý lớp học, quản lý nhà trường và đổi mới cả cách tham gia của cha mẹ học sinh, cộng đồng trong việc tổ chức hoạt động dạy học. Cụ thể, giáo viên sẽ hướng dẫn, tổ chức để học sinh tiếp nhận kiến thức chứ không đơn thuần là truyền đạt kiến thức như trước đây. Tính tương tác giữa người dạy và người học vì thế được nâng cao hơn. Mục tiêu của Mô hình Trường học mới là chú trọng phát triển toàn diện con người, thông qua hoạt động tự giáo dục, tự quản, tự học, tự đánh giá dưới sự hướng dẫn của GV; HS được tôn trọng, được trải nghiệm, khám phá và tham gia điều hành mọi hoạt động trong lớp học thông qua Hội đồng tự quản; Khắc phục cơ bản áp lực về điểm số, hoạt động đánh giá nhằm giúp HS tiến bộ.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.

  

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu