Tuyên truyền chính sách pháp luật Tuyên truyền chính sách pháp luật
Quy định về bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại NĐ 31/2020.
07:20 | 05/05/2020 Print   E-mail    

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành NĐ 31/2020/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Hiệu lực từ ngày 01/5/2020 và thay thế một phần của NĐ115/2013/NĐ-CP.

Theo đó phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể được giao giữ, bảo quản phương tiện nếu có một trong hai điều kiện: Người vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn, hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức (có địa chỉ rõ ràng) nơi cá nhân vi phạm đang công tác. Tổ chức, cá nhân phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện; tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh; tuy nhiên, cùng với đó sẽ có 04 trường hợp xe vi phạm không được bảo lãnh, gồm: Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa và biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.

Ngoài ra điểm mới đáng lưu ý ở Nghị đinh này so với trước đây là nếu nơi tạm giữ xe vi phạm là nhà, kho bãi phải đáp ứng các điều kiện như: Đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra vào, nội dung bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy; phải đảm bảo khô ráo, thoáng khí, trường hợp tạm giữ phương tiện ở ngoài trời thì phải có mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng và có hệ thống thiết bị chiếu sáng; thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện. 

Nghị định này cũng quy định nhiều điểm mới như nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; về chế độ quản lý, bảo quản, giao, nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; về giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản; về trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; thu, nộp, quản lý, sử dụng chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ; về xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn bị tạm giữ./.

Tin: Việt Bách, BBT