Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
BR-VT cần chuyển dịch mạnh các lĩnh vực, ngành nghề
06:38 | 25/08/2014 Print   E-mail    

 
Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân và Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hơp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Tọa đàm khoa học, đề tài trọng điểm cấp Nhà nước “Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới”.
 
Đề tài khoa học cấp Nhà nước KX. 01.12/11-15 “Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới” thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước mã số KX01/11-15 về Phát triển kinh tế và quản lý kinh tế ở Việt Nam đến năm 2020 do GS.TSKH. Lương Xuân Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm chủ nhiệm. Mục đích của đề tài là làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của tư duy đổi mới với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới của quốc tế và trong nước, từ đó đề xuất quan điểm và giải pháp chủ yếu có tính đột phá trong tư duy nhận thức đối với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
 
Tại buổi tọa đàm, nhiều phát biểu tham luận của các sở, ngành trong tỉnh BR-VT xung quanh các nội dung về tình hình thu hút đầu tư của các DN trên địa bàn tỉnh; tình hình phát triển của ngành NN trong quá trình thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, thu nhập và trợ giúp xã hội cho người dân; tình hình phát triển các KCN; thực trạng việc phát triển kinh tế cảng biển, du lịch và dịch vụ… Tính đến 6 tháng đầu năm 2014, GDP (trừ dầu thô và khí đốt) của tỉnh tăng khoảng 7,04% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị sản xuất CN (trừ dầu thô và khí đốt) tăng 8,76%; tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 13,29%; các ngành NN, ngư nghiệp sản xuất ổn định; chất lượng các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao được nâng cao; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm… Bên cạnh những kết quả đã đạt được, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn: tình hình kinh tế của tỉnh tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp; hoạt động của một số DN vẫn còn khó khăn mặc dù số lượng DN giải thể và phá sản giảm 27%, thu ngân sách nhà nước (ngoài dầu thô và thuế xuất nhập khẩu) giảm 13,7%; giá trị giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp; các dự án chậm triển khai còn nhiều (đã thu hồi 34/63 dự án); chính sách liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; chưa được Trung ương điều chỉnh kịp thời…Tại buổi tọa đàm, đại diện các sở, ngành của địa phương đã đề nghị nhóm nghiên cứu đề tài chia sẻ những tư duy mới về thu hút đầu tư nước ngoài; phát triển kinh tế vùng; phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên các dự án xanh, bền vững… Các đại biểu và nhóm nghiên cứu cũng đã cùng nhau phân tích và làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của tư duy đổi mới với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng trong bối cảnh mới của quốc tế và trong nước; từ đó đề xuất những quan điểm và giải pháp chủ yếu có tính đột phá trong tư duy nhận thức đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững của kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung cũng như tỉnh BR-VT trong thời gian tới. Theo nhóm nghiên cứu, để phát triển trong bối cảnh mới, BR-VT cần phải phát triển mạnh các ngành dịch vụ, cảng biển, logictics; đồng thời chuyển dịch mạnh các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao; đầu tư công hợp lý, tránh dàn trải; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực…
 
Bài: Hoa Hạ
BBT.