Tin trong nước Tin trong nước
Quy định 77 công việc phụ nữ không được làm: Tính khả thi chưa cao
05:56 | 25/08/2014 Print   E-mail    

 
Thông tư 26 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành quy định 77 danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ. Tuy nhiên, do thiếu tính thực tế, sau gần 1 năm ban hành, quy định này vẫn chưa được áp dụng và dường như đã bị “lãng quên”.
 
Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý lao động, điều quan trọng là cần nâng cao điều kiện làm việc, vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ.
Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý lao động, điều quan trọng là cần nâng cao điều kiện làm việc, vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ.
 
Khó khăn khi phải chuyển đổi nghề
 
Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH do Bộ LĐ-TB-XH ban hành ngày 18-10-2013 đã quy định 77 danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ. Quy định ghi rõ 38 công việc không được sử dụng lao động nữ bởi có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ, nuôi con và 39 công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Thế nhưng, khi có cuộc khảo sát ở một số cảng cá và chợ đầu mối trên địa bàn TP.Vũng Tàu, tất cả lao động nữ và người sử dụng lao động đang làm công việc nặng nhọc đều không hề biết đến Thông tư 26 đã ban hành gần cả năm qua. Khi được nghe giải thích, hầu hết họ đều cho rằng đó là quy định thiếu tính thực tế bởi nếu cấm những công việc ấy thì họ không biết phải chuyển sang nghề nào, bởi do trình độ hạn chế và tuổi đã cao.
 
Chị Nguyễn Thanh An, lao động ở cảng cá Sao Mai (phường 5, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Cứ 1 giờ sáng tôi vào cảng kéo cá, làm đến khoảng 8 giờ sáng cũng được 300.000 đồng. Mỗi chuyến cá nặng 50-80kg là chuyện bình thường.Tôi là lao động chính trong nhà. Chồng tôi chạy xe ôm tiền kiếm chẳng được mấy. Đứa con nhỏ lại đang tuổi ăn học tốn kém lắm. Tôi không đi kéo cá thì biết nghề gì bây giờ? Lâu nay tôi vẫn đi làm bình thường và vẫn phải làm nghề này đến khi nào không còn sức nữa thì thôi”.
 
Chị Bạch Thị Cúc, lao động ở chợ Mới Vũng Tàu (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Vũng Tàu) cũng cho biết: “Tôi đi bốc xếp, khuân vác hoa quả cả chục năm nay. Công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau, ngày làm ngày nghỉ. Muốn có 300.000 đồng/ca/ngày tôi phải đẩy được mấy chục chuyến xe thồ hoa quả, chuyến nào cũng nặng cả trăm kí. Thời gian qua tôi không thấy ban quản lý chợ hay bất cứ ai nói gì đến quy định mới nào cả. Chồng tôi mất sớm, 2 con còn nhỏ, tôi lại không có trình độ gì, giờ bảo không làm việc này nữa thì ba mẹ con tôi lấy gì mà sống”.
 
Về vấn đề này, bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng: “Hiện nay, số lượng lao động không có tay nghề chủ yếu là nữ giới. Với trình độ lao động như vậy, việc họ được chọn lựa và từ chối những công việc nặng nhọc, đơn cử như bốc vác, là điều không dễ. Do vậy, chọn lựa công việc nên để tự người lao động quyết định, thuộc về quyền của người lao động chứ không phải là vấn đề cấm hay không cấm”.
 
Điều quan trọng là phải nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động.
Điều quan trọng là phải nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động.
 
Thông tư 26 cũng quy định, trách nhiệm của người sử dụng lao động là rà soát các công việc lao động nữ đang làm dựa theo danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ, từ đó có kế hoạch sắp xếp, đào tạo lại hoặc chuyển nghề, chuyển công việc phù hợp. Trên thực tế, nhiệm vụ này không dễ thực hiện và mất nhiều thời gian. Bởi không một chủ sử dụng nào lại mất thời gian và tiền bạc để đào tạo lại một vài nhân viên mà sẽ đẩy lao động nữ vào nguy cơ mất việc. Đối với một số quy định công việc cấm sử dụng phụ nữ trong thời gian mang thai, cho con bú đến 1 tuổi, trong khi Luật Lao động chỉ cho phép được nghỉ thai sản nhiều nhất 6 tháng, chủ sử dụng lao động sẽ rất khó có thể bố trí cho những lao động nữ vị trí mới phù hợp khi trở lại với công việc.

Cần nâng cao điều kiện làm việc
 
Được biết, đây không phải lần đầu tiên những công việc không được sử dụng lao động nữ được quy định trong các văn bản pháp luật. Từ năm 1968, đã có 18 công việc được quy định trong Thông tư liên bộ số 05/TT-LB của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế về “Quy định những công việc có nhiều yếu tố độc hại, những công việc quá nặng nhọc không sử dụng lao động nữ và hướng dẫn thêm về chế độ bảo vệ sức khỏe nữ công nhân”. Theo đó, quy định phụ nữ không được mang vác nặng hơn 50kg, làm việc trong môi trường có các chất độc hại… Tuy nhiên, hiện nay những công việc phụ nữ chuyên bốc vác, phụ nữ làm nông nghiệp mang vác nặng hơn 50kg, sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học… vẫn đang diễn ra hàng ngày và thậm chí không ngừng gia tăng. Như vậy, với nhiều công việc đã bị cấm tới hơn 40 năm kể từ khi thông tư liên bộ số 5 ra đời nhưng đến nay vẫn không cấm được phụ nữ tham gia thì việc thông tư mới ban hành bị rơi vào quên lãng cũng không phải là điều quá khó hiểu.
 
Cấm tham gia một số loại hình lao động nặng nhọc áp dụng đối với lao động nữ thực sự chưa sát thực tế và còn định kiến. Trong khi, cũng có những công việc ảnh hưởng đến thể lực nam giới. Trong ảnh: Lao động nam ở chợ mới Vũng Tàu.
Cấm tham gia một số loại hình lao động nặng nhọc áp dụng đối với lao động nữ thực sự chưa sát thực tế và còn định kiến. Trong khi, cũng có những công việc ảnh hưởng đến thể lực nam giới. Trong ảnh: Lao động nam ở chợ mới Vũng Tàu.
 
Xác định những việc nguy hại đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng là một việc làm cần thiết, thể hiện quan điểm tiến bộ trong quản lý. Tuy nhiên, cách thực hiện cần dựa trên những cơ sở khoa học cụ thể để đưa ra những biện pháp hợp lý. Ví dụ, cho rằng việc vác nặng 50kg sẽ ảnh hưởng đến hệ vận động của người lao động, cần có nghiên cứu xác định rõ ngưỡng chịu đựng của thể lực, sau đó mới có thể đưa ra giải pháp. Nếu ngưỡng này là đúng thì để bảo vệ người lao động, cần có biện pháp giảm tải trọng, nếu nặng hơn thì bắt buộc phải có phương tiện hỗ trợ như máy nâng... Đồng thời, cần xác định người lao động khi tham gia công việc nặng phải đáp ứng tiêu chuẩn thể lực nào, chứ không phải là nam hay nữ. Biện pháp cấm tham gia một số loại hình lao động nặng nhọc áp dụng đối với lao động nữ là chưa sát thực tế và còn định kiến. Vì thực tế cho thấy có nhiều phụ nữ có thể lực rất tốt và cũng có nhiều nam giới thể lực kém. Ngược lại, cũng có thể có những công việc có ảnh hưởng đến nam giới, cũng cần hiểu biết thêm về vấn đề này để có biện pháp khắc phục phù hợp.
 
Bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB-XH cho rằng: “Quan trọng là phải nâng cao vệ sinh an toàn lao động và điều kiện làm việc cho mọi lao động chứ không phải áp đặt cấm phụ nữ làm một số ngành nghề nặng nhọc trong khả năng của họ, khiến họ mất đi công việc mưu sinh”.
 
Bài, ảnh của SƠN QUỲNH
Nguôn: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu