Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Không được lơi lỏng nông nghiệp
12:05 | 14/09/2011 Print   E-mail    

“Một chuyên gia của Văn phòng Chính phủ đã cảnh báo trước khi khủng hoảng xảy ra rằng mất mát về kinh tế không lớn bằng mất mát phương châm điều hành, đó là sự quay lại các công cụ hành chính”.

Ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ngậm ngùi nói tại hội thảo về chủ đề bất ổn kinh tế vĩ mô do Ngân hàng Thế giới và Văn phòng Chính phủ đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 28-6.

Lợi ích đến tay nông dân quá ít - Ảnh: N.H.T.

Không nên đình trệ cải cách

Điểm lại, ông Nghĩa nhận thấy một loạt chương trình cải cách đã bị đình trệ: cải cách Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước... trong khi lẽ ra quá trình cải cách càng phải được đẩy mạnh để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh. “Trước tình hình sử dụng công cụ hành chính và đình trệ các chương trình cải cách, lãi suất bị méo mó, mọi nhà lý thuyết về kinh tế vĩ mô đều bó tay” - ông Nghĩa nói.

"Chúng ta luôn quan tâm an sinh xã hội của người nghèo, mà chủ yếu là nông dân, nhưng con đường cải thiện còn quá nhiều chông gai, cách tiếp cận còn quá nhiều vấn đề. Phải thay đổi cách tiếp cận, làm sao phải vượt được qua nhóm lợi ích để lợi ích đi tới người nông dân"

Ông Vũ Khoan

Quan điểm của ông Nghĩa cũng trùng với nhiều chuyên gia kinh tế khác có mặt tại hội thảo. Thảo luận về một lĩnh vực cụ thể là sản xuất nông nghiệp, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới Will Martin cho rằng điều duy nhất có thể dự báo chắc chắn hiện nay là giá cả nông sản thế giới sẽ có nhiều biến động.

Do đó, điều quan trọng với các nước đang phát triển là tăng năng suất nông nghiệp vì điều đó giúp duy trì khả năng cạnh tranh và tăng thị phần, đồng thời giúp tăng thu nhập cho nông dân và khắc phục tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô lên đời sống người nghèo.

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng tuy là nước đang phát triển nhưng VN có đến 4-5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới nên có lẽ VN được hưởng lợi một phần nào đó từ giá cả nông sản tăng, từ đó thu nhập của nông dân được tăng lên. Ông nói: “Khủng hoảng dạy chúng ta một bài học: dù công nghiệp hóa cũng không thể lơi lỏng nông nghiệp vì phát triển nông nghiệp giúp nền kinh tế ổn định trước sóng gió và đảm bảo an ninh xã hội”.

Tuy nhiên, ông Vũ Khoan cảnh báo chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của VN còn quá thấp, đòi hỏi tái cấu trúc nền nông nghiệp song song với tái cấu trúc nền kinh tế. Trong quá trình đó, ông cho rằng VN cần song hành tái cấu trúc năm khía cạnh: phân bổ lại lợi ích cho người nông dân nhiều hơn; tái cấu trúc sản phẩm lương thực vì VN nhập rất nhiều lương thực khác ngoài gạo như ngô hay đậu tương do sản lượng và năng suất của các sản phẩm này của VN rất thấp; tái cấu trúc giữa trồng trọt và chăn nuôi vì chăn nuôi vẫn là điểm yếu của nông nghiệp VN; tái cấu trúc giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; phát triển những ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (phân bón, xăng dầu, máy móc, các dịch vụ liên quan...).

Những thách thức cho kinh tế vĩ mô

Nhiều ý kiến tại hội thảo đã nhấn mạnh việc điều hành và tiếp cận các vấn đề kinh tế vĩ mô của chính phủ. Ông Lê Xuân Nghĩa cảnh báo việc tính chỉ số lạm phát theo tháng có thể đẩy chúng ta tới ngộ nhận vì trên thực tế có thể lạm phát theo tháng đang xuống nhưng theo năm lại lên, do đó nếu nới lỏng chính sách ngay thì mọi việc làm chặt chẽ trước đó trở nên vô nghĩa. Ông nói: “Phải tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô theo đúng bản chất của nó để điều hành bằng các biện pháp theo thông lệ quốc tế, nếu lệ thuộc vào một vài ý kiến, một vài chuyên gia và dựa vào cảm tính thì tạo ra bất ổn”.

Ông Võ Trí Thành:

Hứa nhiều nhưng làm chưa nhiều

Thị trường vẫn nghi ngờ vì ba lẽ: chúng ta hứa nhiều nhưng chưa làm được nhiều; đây là giai đoạn chuyển giao quyền lực nên đôi khi việc phối hợp và thực hiện chính sách không tốt; chúng ta có vượt được lợi ích nhóm để vì mục tiêu chung không? VN cần có thông điệp rõ ràng: từ nay trở đi VN không có tăng trưởng với đồng tiền dễ dãi và mục tiêu chính sách cần hướng tới mức thâm hụt ngân sách dưới 3,5% GDP và tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 15%.

Bà Nguyễn Kim Thanh, viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, cho rằng việc tiếp tục thực hiện thành công sáu nhóm giải pháp (theo nghị quyết 11) chỉ có thể thành công tùy theo liều lượng và thời điểm can thiệp. Cái khó, theo bà Thanh, là nghệ thuật sử dụng liều lượng vào thời điểm đó. Theo bà, giữa hai vấn đề lãi suất và tăng trưởng tín dụng có quan hệ qua lại nhưng trong cơ chế tác động ở thị trường VN, có khi độ rủi ro cao, lãi suất tăng nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận lãi suất cao, thậm chí có lúc trên 24%.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước chọn lãi suất là mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát thì rất khó đạt hiệu quả, mà phải nâng lên cực kỳ cao mới may ra giảm tăng trưởng tín dụng, nhưng như vậy lại đánh vào đầu vào sản xuất, nâng giá thành và gây khó khăn trở lại cho kiểm soát lạm phát” - bà Thanh nói.

Nhìn lại bốn tháng thực hiện nghị quyết 11, ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Chính sách kinh tế T.Ư, cho rằng chúng ta đang có một bức tranh “khó phân định”. Khó phân định, theo ông

Thành, một mặt là do các chỉ số mà hệ thống thống kê VN cung cấp như tăng trưởng GDP, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng... chứng tỏ “tình hình không đến nỗi chết như doanh nghiệp đang kêu”.

Tuy vậy, ông Thành cho rằng dư luận trong và ngoài nước vẫn còn nghi ngờ về hiệu quả việc thực hiện nghị quyết 11, vì tuy người dân chuyển từ việc gửi tiết kiệm bằng USD sang VND nhưng chỉ gửi ngắn hạn, chỉ số CDS (tức chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng - một công cụ đánh giá biến động vĩ mô) giảm từ sau khi ra đời nghị quyết 11 (tức là dấu hiệu tích cực trong nhìn nhận về rủi ro vĩ mô của VN), nhưng từ tháng 5 đến nay lại tăng mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), khẳng định trong sáu tháng cuối năm VN sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, điều hành một cách linh hoạt nhưng kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng dưới 20% với mọi tổ chức tín dụng, kể cả của nước ngoài.

Theo TuoiTre.vn (Ngày 29/6/2011)