Tin trong nước Tin trong nước
Khai mạc trọng thể Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI
05:45 | 03/11/2015 Print   E-mail    

 

Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội chính thức khai mạc sáng 1-11

Sáng 1-11, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Dự đại hội có 495 đại biểu đại diện cho hơn 39 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

 

Dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Trung ương: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt.

Dự đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, MTTQ Việt Nam. Các đoàn đại biểu của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình.

Dự đại hội có các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, đại diện nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và đại biểu công dân Thủ đô ưu tú. Nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố qua các thời kỳ, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV.

Description: http://www.nhandan.com.vn/images/2015/chitrung/11/Ld%20d_nn.jpg

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu tham dự Đại hội

Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố (2010-2015); quyết định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2015-2020; kiểm điểm sự lãnh đạo của Thành ủy khóa XV, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng. Đại hội XVI có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định quyết tâm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua. Những kết quả này là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước. Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội là sự kiện chính trị rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô và đối với cả nước; đồng thời thu hút sự quan tâm chung của nhân dân cả nước. Thành công của Đại hội đồng thời chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô trong thời gian tới và góp phần quan trọng vào thành công chung của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Description: http://www.nhandan.com.vn/images/2015/chitrung/11/TBT.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Bên cạnh những thành quả và tiến bộ đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, Hà Nội vẫn còn những hạn chế, tồn tại; đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường một số mặt còn yếu. Phát triển văn hoá - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đòi hỏi thực tiễn. Công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chất lượng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của một số cấp ủy còn hạn chế. Những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong Đảng, trong xã hội, nhất là về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Đại hội cần đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân của những thành quả, tiến bộ và những yếu kém, khuyết điểm; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp tích cực phát huy ưu điểm, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, hạn chế.

Tán thành với những nội dung cơ bản nêu trong các văn kiện Đại hội, hoan nghênh quyết tâm chính trị của Đảng bộ Thủ đô nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó nhất trí với mục tiêu tổng quát, năm nhiệm vụ chủ yếu, ba khâu đột phá và 16 chỉ tiêu của Đảng bộ Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng bộ Hà Nội cần đặc biệt chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp của thành phố trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc ba nhóm nội dung và bốn nhóm giải pháp, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội lần này là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa mới; bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phát huy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, Đại hội cần đi sâu thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng và sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thực sự tiêu biểu cho Đảng bộ để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XVI, cũng như bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc khoá XII của Đảng.

Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, được toàn Đảng và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi. Đại hội đánh dấu chặng đường xây dựng, phát triển Thủ đô sau năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV và sau hơn bảy năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, khẳng định bước trưởng thành và phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động hội nhập quốc tế.

Đồng chí Phạm Quang Nghị yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận đóng góp được nhiều ý kiến xây dựng các Văn kiện Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và các dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đồng thời sáng suốt lựa chọn các đồng chí có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực; có tinh thần trách nhiệm cao; có tư duy đổi mới; những người luôn đặt lợi ích chung của Đảng và Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; đáp ứng yêu cầu về số lượng và cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa bảo đảm có sự kế thừa, chuyển tiếp và phát triển, để có sự kết hợp tốt nhất về độ tuổi và kinh nghiệm giữa các thế hệ cán bộ; lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố.

Thay mặt Đoàn chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XV. Trong đó khẳng định: Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XV, tạo bước chuyển biến mới trên mọi lĩnh vực hoạt động. Nổi bật là, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, góp phần quan trọng cùng cả nước bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược, phục hồi đà tăng trưởng.

Năm năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân năm năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp 4,5%; các nhóm ngành trong cơ cấu kinh tế Thủ đô đều có mức tăng trưởng khá.

Công tác thu, chi ngân sách nhà nước được bảo đảm. Trong năm năm 2011-2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 714,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm. Chi ngân sách địa phương gần 273 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân 7,7%/năm, bảo đảm cân đối chi thường xuyên và ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm năm đạt hơn 1 triệu 400 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng gấp gần hai lần giai đoạn 2006-2010. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 1.080 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển mạnh. Hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm, đầu tư; những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống tiếp tục được kế thừa, phát huy. Thành phố cũng luôn quan tâm và bảo đảm tốt an sinh xã hội.

Cùng với đó, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng và có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Thành phố đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực; cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh.

Đồng thời, Thành phố chủ động phát huy nội lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; các tuyến đường, các trục chính đô thị và các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt, Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới. Trong năm năm, toàn Thành phố đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho xây dựng nông thôn mới, tập trung cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Đến nay, tỷ lệ xã có đường ô-tô đến trụ sở được bê-tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê-tông hóa đạt 95%. Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa đạt 80,5%, các xã đều có hệ thống loa truyền thanh. Không còn phòng học tạm, dột nát và tình trạng học sinh phải học ba ca. 100% số xã có trạm y tế, có bác sĩ và nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Thủ đô được cải thiện, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2015, ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp hai lần so với năm 2011. Đến cuối năm 2015, toàn Thành phố có 179/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 46,4% tổng số xã, gấp hơn hai lần chỉ tiêu cả nước. Một huyện được công nhận nông thôn mới và ba huyện khác đã đủ điều kiện để công nhận huyện nông thôn mới.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Hà Nội được Trung ương ghi nhận là Đảng bộ gương mẫu, đi đầu, có nhiều việc làm chủ động, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, khoa học, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Nổi bật là, Thành ủy đã ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết 09 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; Đề án số 06 về kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội.

Kết quả, trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ kết nạp 64.998 đảng viên (bình quân kết nạp gần 13.000 đảng viên/năm), trong đó, có 16 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, 3.117 đảng viên là người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; đã giảm 2.239 tổ và sáu thôn, khắc phục được tình trạng cồng kềnh về bộ máy và chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo kéo dài trong nhiều năm tại cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đó, Báo cáo chính trị cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp; còn 4/19 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và tạo thành chuỗi giá trị còn hạn chế. Chưa quan tâm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chưa tương xứng với vị thế, vai trò Thủ đô. Một số mặt của công tác giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chuyển biến chậm. Khoa học và công nghệ phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn.

Trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững.

Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng, nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô. Phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước./.

Nguồn: Nhân dân điện tử, BBT