An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Cảm nhận sau khi xem triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu“Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”
06:58 | 31/08/2015 Print   E-mail    

 
Là nhân viên đang công tác tại một phòng ban của UBND thành phố Vũng Tàu, sau 3 ngày (24-26/8/2015) được tham dự triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và triển lãm ảnh “Bà Rịa - Vũng Tàu với biển đảo” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, ấn tượng đọng lại trong tôi là những cảm xúc khó quên. Đó là niềm xúc động xen lẫn tự hào và trách nhiệm của bản thân đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
 
Sau khi được tận mắt nhìn thấy những tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và bản đồ trưng bày tại triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa này tôi nhận thấy, suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Phần lớn thư tịch cổ quốc gia trong các giai đoạn đó đã bị quân xâm lược tiêu hủy với mục tiêu xóa sạch văn hóa Việt để dễ bề đồng hóa. Tuy nhiên, chỉ với những tài liệu chính sử còn lại đến nay cũng đủ để chứng minh người Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ rất lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật pháp quốc tế về việc xác lập và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
 
Cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam đang tham quan triển lãm
 
Đến với triển lãm lần này, ai cũng được biết rằng công ước Luật Biển năm 1982 cho phép các quốc gia ven biển được hưởng quy chế thềm lục địa để thăm dò và khai thác tài nguyên. Đây là chủ quyền chuyên biệt, không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm hữu, khai phá hay tuyên bố minh thị. Mọi sự tùy tiện chiếm cứ của nước ngoài dù có bằng vũ lực hay không đều bất hợp pháp và vô hiệu lực. Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và đảo Hoàng Sa chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt Nam được quy định bởi Công ước về Luật Biển năm 1982. Về mặt địa chất, các nghiên cứu khoa học đều cho thấy quần đảo Hoàng Sa là một thành phần của Việt Nam. Về địa hình, đáy biển vùng quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển nối tiếp liên tục lục địa Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa cũng vậy, về mặt địa chất và địa hình đáy biển các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Hơn nữa, bãi Tư Chính và đảo Trường Sa chỉ cách đất liền Việt Nam từ 150 đến 200 hải lý, nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.
 
Một cảm giác xúc động xen lẫn tự hào cứ thổn thức trong tôi khi được tham dự triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và triển lãm ảnh “Bà Rịa - Vũng Tàu với biển đảo” này. Tôi chưa một lần đặt chân đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng những cái tên nghe sao mà thân thương quá! Nghe như đã thấm vào máu thịt ngàn đời của cha ông để lại. Hơn bao giờ hết, tôi lại nghĩ đến các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên các đảo, về cuộc sống của họ trên những nhà giàn đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Tôi ước ao được một lần đến thăm nơi “đầu sóng ngọn gió” này, để được tận mắt ngắm nhìn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, để được sẻ chia dù chỉ là một phần rất, rất nhỏ những gian truân, vất vả của người lính đảo, được cùng các anh chong mắt giữ gìn biển đảo của quê hương, dẫu chỉ một lần. Các anh tiếp tục đi trên con đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường huyền thoại trong lịch sử, là biểu trưng cho ý chí và sự sáng tạo của Việt Nam. Con đường ấy là niềm tự hào, nguồn cổ vũ và động viên lớn lao không chỉ của những chiến sĩ trên những “con tàu không số” mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Nó đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử: giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
 
Tham dự những ngày triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và triển lãm ảnh “Bà Rịa - Vũng Tàu với biển đảo” đã đọng lại trong tôi tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ Quốc, yêu thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp này. Với chúng tôi, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam, chúng tôi sẽ sống, chiến đấu, lao động và học tập thật tốt và có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng này./.
                                                                    
Bài: Lê Ngân
Ảnh: Đỗ Trung,
BBT