An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Ông trưởng thôn Gò Găng
04:53 | 30/07/2015 Print   E-mail    

 
Đó là tên gọi thân mật mà người dân ở thôn 9, xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) dành cho ông trưởng thôn Nguyễn Văn Trinh. Ông Nguyễn Văn Trinh còn được người dân yêu mến bởi ông là một trong những người đầu tiên khai thôn lập ấp ở Gò Găng ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Và suốt gần hơn 40 năm qua, ông đã kề vai sát cánh với người dân ở Gò Găng vượt qua khó khăn, xây dựng đời sống vật chất lẫn tinh thần ngày một vững vàng hơn.
 
Description: C:\Users\Admin\Downloads\ong truong thon go gang.jpg
Ông Nguyễn Văn Trinh, Trưởng thôn 9, xã Long Sơn (phải) trò chuyện,
 thăm hỏi tình hình làm ăn của một hộ dân trong thôn
 
Đến Gò Găng sinh sống từ năm 1975, ông Nguyễn Văn Trinh đã chứng kiến bao đổi thay trên vùng đất nghèo. Từ một vùng đất “khỉ ho cò gáy”, sau hàng mấy chục năm bị cô lập với đất liền bởi các con sông Chà Và, sông Ăn Thịt và sông Dinh; năm 2008 cầu Gò Găng thông xe đã mang đến cho Gò Găng một diện mạo mới, xóa sổ khỏi cái tên thôn đảo của TP. Vũng Tàu. Năm 2011, cầu Chà Và cũng khánh thành nối liền quốc lộ 51 với thôn Gò Găng và xã Long Sơn. Việc đi lại của người dân ở Gò Găng vì thế dễ dàng hơn. Những chuyến đò nối từ bến Nam Bình (phường 11) sang Gò Găng, từ Gò Găng đến thôn 8 (xã Long Sơn) nay đã không còn nữa. Hình ảnh những chiếc xe máy chạy thẳng vào Gò Găng đã trở nên quen thuộc.
 
Sự “thay da đổi thịt” của Gò Găng một phần nhờ vào công sức của những người như trưởng thôn Nguyễn Văn Trinh. Nhớ lại những năm sau ngày giải phóng, ông Trinh cho biết, hồi đó thôn đảo Gò Găng vẫn chưa có đường, chưa có điện, chưa có nước, cuộc sống của người dân trong thôn gặp nhiều khó khăn. Các em nhỏ ở độ tuổi đến trường ở Gò Găng hầu như không ai biết chữ. Năm 1980, trường tiểu học được xây tạm ở Gò Găng nhưng cũng không có em nào đến học. Ông Trinh phải đến từng nhà, vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Ổn định việc học cho các em học sinh, ông Trinh lại cùng bà con trong thôn tổ chức sản xuất để ổn định cuộc sống. Nhận thấy Gò Găng là vùng đất ngập mặn, ông Trinh kêu gọi và hướng dẫn cho người dân trong thôn cùng làm muối, nuôi trồng thủy sản. Người dân trong thôn Gò Găng cứ thế theo ông Trinh làm kinh tế cải thiện được đời sống vật chất. Năm 2006, ông Trinh và 16 hộ dân trong thôn đứng ra thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành rồi cùng nhau làm ăn. HTX do ông Trinh làm chủ nhiệm. Sau 7 năm đi vào hoạt động, HTX Hiệp Thành đã mang đến những thành quả nhất định. Ông Trinh vui mừng cho biết: “Con hàu được các xã viên trong HTX Hiệp Thành xem là con xóa đói giảm nghèo, bởi vài năm gần đây, các xã viên trong HTX nhờ nuôi hàu mà thoát nghèo bền vững”. Ông Trinh nói thêm: “Nếu nắm vững kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình chăm nuôi hàu thì chỉ cần thả giống 7-8 tháng là có thể thu hoạch. Thu nhập của mỗi xã viên, có khi lãi ròng 70-80 triệu đồng/ năm. Nhờ đó mà nhiều nhà đã mua được ti vi, vi tính, sắm được xe máy, cất được nhà mới khang trang”.
 
Không chỉ quan tâm tới việc làm kinh tế để cải thiện đời sống cho người dân địa phương, trưởng thôn Gò Găng Nguyễn Văn Trinh còn quan tâm đến đời sống tinh thần và nâng cao dân trí cho nhân dân trong thôn. Đến nay, hàng tháng, hàng quý ông Trinh vẫn đích thân đến từng nhà để động viên từng hộ gia đình dù khó khăn đến mấy cũng phải cho con em đến trường, rồi vận động người dân trong thôn đóng góp tiền làm đường, góp tiền xây dựng Trường Sa… Nhịp sống ở Gò Găng nhờ những bàn tay, những tấm lòng như ông Trinh mà ngày càng trở nên sôi động hơn.
 
Bài, ảnh: Yến Nhi
BBT.