An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Bánh chưng, bánh giầy – hương vị trong ngày giỗ tổ Hùng Vương
03:47 | 16/04/2015 Print   E-mail    

 

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những loại bánh truyền thống mang hương vị riêng. Nếu như dân tộc Hàn Quốc có bánh gạo tteokguk, dân tộc Nhật Bản có bánh giầy Ozoni, dân tộc Trung Quốc có bánh tổ Nian Gao, dân tộc Triều Tiên có bánh songpyeon,… thì dân tộc Việt Nam có bánh chưng và bánh giầy.Từ thời Vua Hùng đến nay, bánh chưng, bánh giầy luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Hai loại bánh đặc biệt này là lễ vật không thể thiếu dâng cúng vua Hùng.

Bánh bánh chưng dâng cúng vua Hùng. Nguồn http://hanoi.vietnamplus.vn

 
Theo sự tích, bánh chưng, bánh giầy có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân. Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mời hội các con mà bảo rằng: “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”. 
 
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.
Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Lang Liêu có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào. 
 
Một hôm, Lang Liêu nằm mộng thấy có vị thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình trời và đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình cha mẹ sinh thành." 
 
Lang Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là bánh chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình trời, gọi là bánh giầỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.
 
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Lang Liêu thì chỉ có bánh chưng và bánh giầy. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Lang Liêu đem chuyện thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.
 
Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc; là lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của bánh chưng, bánh giầy trong đời sống văn hóa của người Việt.
 
Còn theo quan niệm dân gian, bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho đất, âm. Bánh giầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng trời, dương, thể hiện triết lý âm - dương. Hay bánh chưng là âm tượng trưng cho mẹ, bánh giầy là dương tương xứng với cha. Vì thế bánh chưng, bánh giầy được dùng để cúng tổ tiên, trời đất thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước.
 
Mặc dù, các nhà nghiên cứu văn hóa còn có những quan niệm khác nhau về nguồn gốc, ý nghĩa và biểu trưng của bánh chưng, bánh giầy, song cũng phải khẳng định rằng hai loại bánh này có từ lâu đời, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của người Việt.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có trên 1.400 địa điểm có đến thờ cúng các Vua Hùng. Trong đó, mỗi địa phương, tỉnh, thành đều tổ chức nghi lễ dâng cúng Quốc tổ. Bánh chưng, bánh giầy là lễ vật không thể thiếu. Bên cạnh đó, những người con đất Việt từ nam ra bắc, mở hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy. Có nơi thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, có địa phương thi nấu và trình bày bánh chưng, có thành phố làm bánh chưng đạt kỷ lục Việt Nam. Những hoạt động phong phú đa dạng này làm tăng phần sôi nổi và nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của một ngày Quốc lễ .
 
Thi gói bánh chưng trong lễ giỗ tổ Hùng Vương. Nguồn: http://phutho.gov.vn
 
Không chỉ đơn giản là một món ăn truyền thống, các công đoạn chuẩn bị, chế biến và trình bày còn thể hiện sự thành kính tạo ra lễ vật dẻo thơm dâng cúng vua Hùng và các bậc tiền nhân.
 
Theo kinh nghiệm cha ông truyền lại, muốn làm bánh chưng thơm ngon phải làm từ loại gạo nếp có hạt to, tròn, dẻo và thơm hương. Ngoài gạo nếp, nguyên liệu để làm bánh chưng còn có lá dong, đỗ xanh, hành củ và thịt lợn. Đỗ xanh thường được chọn công phu, tốt nhất là loại đỗ trồng ở vùng đồi trung du. Gạo nếp sau khi đã được ngâm và xóc muối, được đổ vào khuôn lót lá dong, cho nắm đỗ đã đồ chín, rồi đặt miếng thịt đã ướp hạt tiêu, hành củ vào giữa, phủ lên lớp đỗ và lớp gạo sau đó gói lại bằng lạt giang, mỏng, mềm và dẻo dai. Khi luộc được nửa thời gian thì phải vớt bánh ra rửa qua nước lạnh, thay nước toàn bộ nồi bánh rồi nấu tiếp, bánh sẽ xanh, rền và ngon. 
 
Còn làm bánh giầy cũng phải chọn gạo. Hạt gạo nếp thơm ngon được đồ chín, đổ vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc lên. Những hạt nếp đồ xoắn xít vào nhau. Cơm nếp càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, còn nóng vo tròn xếp vào lá dong. Dùng tay vắt thành từng cục bột nhỏ, nặn tròn tròn rồi ấn bẹp xuống.
 
Hai loại bánh tưởng như vô cùng đơn giản đó lại gói ghém trong mình cả giá trị văn hóa, triết lý nhân sinh của nền văn hóa Việt, cũng như gửi gắm lời nguyện cầu và cũng là niềm tin vào quốc thái dân an, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc.
 
Cùng với cả nước và toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Vũng Tàu sẽ tổ chức thi gói bánh chưng từ ngày 27/4 đến ngày 28/4/2015 ( mùng 8/3 – mùng 9/3 âm lịch). Qua cuộc thi, bằng tất cả lòng thành kính hướng về cội nguồn, những chiếc bánh thảo thơm sẽ là lễ vật ý nghĩa dâng cúng tại đền thờ Hùng Vương Mẫu Cửu Thiên (số 12, đường Bạch Đằng, phường 5, TP.Vũng Tàu) vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch.
 
Có thể nói, từ những hạt gạo thơm tinh túy của đất trời, với bàn tay của người Việt đã tạo nên những chiếc bánh mang đậm hương vị truyền thống, vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon dâng cúng các Vua Hùng, bày tỏ lòng thành kính biết ơn sâu sắccủa chính quyền và nhân dân Thành Phố.
 
Bài: Đức Trung
BBT.