Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Kể về tấm lòng của một cố người mẹ Việt Nam Anh hùng.
07:50 | 23/07/2015 Print   E-mail    


Nói về tấm lòng của một người mẹ thì không giấy bút nào kể hết, nhưng nói về tấm lòng của một người Mẹ Việt Nam Anh hùng lại càng mênh mông và rộng lớn biết nhừng nào!..
 
Mẹ là Hồ Thị Thảo sinh năm 1913 và mất năm 2004, thọ 91 tuổi. Sinh thời mẹ là một người rất hiền lành, đảm đang, dũng cảm và nhân hậu. Quê mẹ ở Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An - nơi có truyền thống cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh, là nơi có các cuộc đấu tranh diễn ra ác liệt nhất: Từ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống ách áp bức bóc lột của chế độ phong kiến đến những trận chiến đấu đánh máy bay của đế quốc Mỹ ném bom phá hoại. Trong hai cuộc kháng chiến mẹ phải chịu đựng biết bao vất vả, hy sinh và mất mát.
 
 
Những năm kháng chiến chống Pháp, một mình nuôi sáu người con cho chồng đi kháng chiến. Hòa bình lập lại tuy có đầy đủ vợ chồng nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, mặt khác do đặc điểm nghề nghiệp của địa phương chuyên canh sản xuất muối nên điều kiện lao động rất vất vả. Mẹ phải thức khuya, dậy sớm lao động cực nhọc dưới nắng như thiêu, như đốt giữa trưa hè để kiếm đồng tiền mua gạo nuôi con. Mẹ là người rất yêu chồng, thương con, biết hy sinh, chịu đựng, nâng đỡ mọi người trong cuộc sống để xây dựng một gia đình hạnh phúc, ấm êm. Nhớ lại những hình ảnh: một con cá mẹ nhường con ăn nạc, mình ăn xương; nhường con ăn cơm, mẹ ăn khoai lúc đói kém, hay “Ủ con nơi khô, chỗ ướt mẹ nằm” khi trời đông giá.Hằng ngày mẹ thường ngồi thâu đêm cặm cụi vá áo cho con, những lúc con ốm đau, nóng sốt; sứt chân, bầm tay; lúc gặp khó khăn, hay những điều không may trong cuộc sống, mẹ là người đầu tiên xuýt xoa, hỏi han, lo lắng v.v…tấm lòng bao dung, sự hy sinh cao cả của mẹ, đối với con cái, với gia đình thật qúi giá và rộng lớn đến nhường nào.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ đã từng “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Do yêu cầu của cuộc kháng chiến, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ba người con trai của mẹ lần lượt lên đường nhập ngũ. Người con trai đầu tiên nhập ngũ năm 1965, lúc đang là công nhân xây dựng tuyến đường sắt Thanh Hóa – Vinh và mới cưới vợ được hơn một tháng. Người con trai thứ hai nhập ngũ năm 1966, vào trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện KTQS, Bộ Quốc Phòng), và người con trai thứ ba cũng tiếp bước hai anh lên đường nhập ngũ năm 1969, khi vừa mới tốt nghiệp cấp ba trường huyện. Mỗi lần tiễn con lên đường nhập ngũ, mẹ đều rơi nước mắt, nhưng vẫn bình tĩnh dặn dò các con hãy yên tâm lên đường và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chờ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước các con lại về với mẹ.
 
Thế rồi, một ngày mùa đông năm 1967, mẹ nhận được tin như sét đánh bên tai: người con trai lớn của mẹ đã anh dũng hy sinh trong một trận chống càn của địch tại chiến trường miền Nam. Đây là thông tin từ một người bạn cùng làng, cùng nhập ngũ với con cho mẹ biết… Mẹ không tin điều đó là sự thật, mà vẫn thấp thỏm chờ ngày con về. Nhưng rồi việc gì đến cũng phải đến, sau đó mấy năm, đơn vị có giấy báo tử của con về với mẹ. Lại một lần nữa, vào cuối năm 1973, người đưa thư của xã đưa về cho mẹ một tờ giấy “Báo tử” của đơn vị báo là người con trai nhỏ của mẹ đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Mẹ như không tin vào mắt mình, không kịp rơi nước mắt, chân mẹ khụy xuống, mọi người xung quanh đỡ mẹ dậy trong hơi thở dồn dập, tim mẹ như thắt lại, mắt mẹ bỗng sáng lên và đưa nhìn mọi người. Những biểu hiện khác thường của mẹ làm mọi người bối rối, có phải vì mẹ thương xót quá nhiều cho hai con đã hy sinh, hay vì lòng căm thù giặc Mỹ đến tột độ! …Trên cả những điều đó, lúc này mẹ “khóc” mà nước mắt không rơi là thể hiện ý chí kiên cường của người mẹ Việt Nam anh hùng trong thời chiến, để truyền thêm lửa chiến đấu cho những người còn lại, động viên cổ vũ các con hãy tiếp bước xông lên, quyết lập chiến công để trả thù cho những người đã ngã xuống. Hành động đó là đỉnh cao quý giá của tấm lòng người mẹ về trách nhiệm bảo vệ quê hương, gia đình mình, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Những năm tháng tiếp theo, mẹ vẫn sống trong nỗi chờ đợi và mong sao chóng đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các con của mẹ sẽ trở về….         
 
Ngày giải phóng miền Nam, Tổ quốc thống nhất, trong niềm vui chung của đất nước, tuy hai con của mẹ vẫn chưa về nhưng dần dần trong lòng mẹ cũng phần nào nguôi ngoai nhờ vào sự trưởng thành, lớn khôn và thành đạt của những người con còn lại. Đất nước bước vào đổi mới, kinh tế gia đình được no đủ, do nhu cầu cuộc sống, các con đưa mẹ vào niềm Nam định cư ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Do tuổi cao sức yếu mẹ qua đời năm 2004 ở tuổi 91. Năm 2007 các chế độ gia đình liệt sĩ của mẹ được chuyển theo con về thành phố Vũng Tàu.
 
Ngày 23 tháng 7 năm 2014 mẹ được Chủ tịch nước ký bằng Truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, ngày 29/8/2014 UBND tỉnh Rà Rịa – Vũng Tàu tổ chức trao bằng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ. Mặc dầu mẹ không còn nữa, nhưng đây là niềm vinh dự cho mẹ, cho gia đình và cho cả quê hương đất nước.
 
Là những đứa con thuộc thế hệ sau, chúng con hứa sẽ phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của các anh hùng, liệt sĩ; noi theo tấm gương vì nước, vì dân của Mẹ Việt Nam Anh hùng, tích cực đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
                                                                            
Bài: Trọng Chu
BBT.