Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Tháng 5 – xôn xao mùa lúa chín
10:41 | 23/05/2015 Print   E-mail    

 
Tháng 5 - khi cái nắng oi ả của mùa hè vương trên mặt đất ấy là lúc những cánh đồng lúa trải dài tới chân trời vào mùa thu hoạch. Đã có biết bao người lớn lên từ cánh đồng lúa chín? Dù xa quê và màu thời gian có phai thì mùi lúa chín, mùi rơm rạ, mùi khói lam vẫn không hề phai nhạt trong ký ức tuổi thơ mỗi người con lớn lên từ đồng quê.
 
Cuối tháng 5, tôi nhớ lắm cánh đồng quê vào mùa thu hoạch. Người làm ruộng thì mùa nào cũng hối hả, nhưng có lẽ, mùa gặt là mùa hối hả nhất. Bởi gia đình nào cũng vận động hết nhân lực ra đồng thu hoạch, cho thóc được nắng, để cày bừa cho đất ải, còn cấy vụ mùa. Nhìn thấy thóc vàng là nhìn thấy no ấm, vì thế, khi lúa được mùa, không khí đồng áng cũng vui vẻ hơn. Những ngả đường, những cánh đồng dẫn về làng đều tấp nập xe cộ, người gồng gánh... Lúa có thể sẽ được tuốt ngay tại đồng, hoặc được chở về nhà. Và phải khi nào phơi được khô, thóc vàng thơm, đổ vào bồ thì bà con mới yên tâm.
Nhớ hồi còn đi học, cứ tới mùa lúa chín, đám chúng tôi lại háo hức vô cùng, tung tăng về phụ gặt giúp nhà mấy bạn trong lớp. Thường thì chẳng có đứa nào cầm liềm cho vững, đứng giữa ruộng còn sợ đỉa bám. Vào mùa gặt, lúa trĩu bông và đó là công lao chăm sóc của cha mẹ, của triệu triệu người nông dân. Với tôi, mùa gặt đó là mùa mà áo mẹ cha ướt bởi những giọt mồ hôi! Đó còn là mùa mà trán mẹ cha như nhăn nheo, cái nhăn nheo của vất vả, của nhọc nhằn. Mà mùa này, mưa giông chẳng cần báo trước. Không gì khổ bằng lúa ướt, có lúc “ông” chẳng cần “hù”, giông tới thì mưa cũng vừa trút, chỗ lúa bị ướt phải phơi, hong khô thật kỹ chứ không là phải bỏ. Thế mới biết, để có hạt gạo ăn, người nông phải vất vả đến nhường nào.
 
Mỗi mùa lúa chín, mẹ vẫn thường dạy chúng tôi phải biết quý hạt gạo, đó là hạt ngọc của trời, là mồ hôi nước mắt của bao người làm ra nó. Vậy nên, mỗi khi ăn cơm, có hạt nào rơi vãi, mẹ bảo nhặt vào bằng được, không được dẫm lên. Người không ăn thì để đó vật ăn. Cố gắng ăn hết cơm trong chén, đừng để thừa, trước khi rửa chén cũng tráng đi lớp cơm còn đó, đừng vứt đi dù chỉ một hạt, tội lắm.
 
Mùa lúa chín, đi đâu cũng thấy bà con í ới hỏi thăm nhau “lúa năm nay được mùa không”, gặt xong thì được bao nhiêu rơm rạ, phần đốt lấy tro làm phân, phần để dành cho bò trâu ăn, phần bán cho thương lái. Mùa cắt lúa, thợ gặt được chia làm nhiều tốp, mỗi tốp như vậy có một người đứng đầu, có nhiệm vụ đi hỏi nhà nào cần thợ gặt để tính công mà làm. Người này còn kiêm luôn trách nhiệm phân việc, thỏa thuận công gặt và chia tiền công cho cả nhóm khi hoàn tất.
 
Lúa càng trĩu hạt thì lưng cha mẹ càng còng. Tôi vẫn thấy màu nắng cũ, màu vàng của lúa, màu xanh với trắng của mây, màu tuổi thơ trên những cánh diều hay những ước mơ bé bỏng chập chờn trên cánh muỗm. Chỉ có bờ vai cha mẹ thì mòn đi, già hơn và chậm hơn. Tôi ước mình là cơn gió mát, đổ về trên cánh đồng, hay ít nhất cũng là bóng cây cho cha mẹ bớt nóng, khô bớt mồ hôi. Tôi ao ước những mùa gặt nguyên lành, bình yên quê mình sẽ không bao giờ mất, để tôi còn có thể trở về, tìm lại những ký ức đẹp trong lòng quê hương.
 
Thời gian trôi đi nhanh, mùa lúa chín với bao người giờ chỉ còn trong ký ức. Tôi yêu lắm những cánh đồng lúa ấy vì đó là tuổi thơ, là những kỷ niệm đẹp đẽ mà tôi không thể nào quên./.

                                                                                                   Bài: Hoa Bằng Lăng

                                                                                                                                            BBT.