Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Bác Hồ dạy học ở trường Dục Thanh
11:56 | 21/05/2015 Print   E-mail    

 
Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhớ về quá trình bôn ba tìm đường cứu nước của Người, chúng ta không thể không nhắc tới một địa danh mà Người dừng chân – Trường Dục Thanh.
 
Cảnh trường Dục Thanh đã được trùng tu
 
Dục Thanh Học hiệu (viết tắt của: TrườngGiáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh, Trần Quý CápHuỳnh Thúc Kháng khởi xướng.Đây cũng là ngôi trường mà Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn thực hiện chuyến xuất ngoại tìm đường cứu nước.
 
Đầu thế kỷ 20, Bình Thuận là nơi hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước, nên vào năm 1905, khi Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp ghé qua Bình Thuận trong một chuyến Nam du. Ba cụ đã truyền bá tư tưởng Duy Tân của mình, với cương lĩnh hành động 3 điểm "Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh". Để thực hiện, các ông lập ra 3 cơ sở gồm: Dục Thanh Học Hiệu: là trường dạy cho con em những người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ, được thành lập năm 1907.Liên Thành Thư Xã: là cơ sở truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước, được thành lập năm 1905Liên Thành Thương Quán: cơ sở làm kinh tế gây quỹ hoạt động, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhân dân, được thành lập năm 1906.
 
Trường Dục Thanh (Dục Thanh Học Hiệu) được xây dựng năm 1907 trên đất nhà thờ họ Nguyễn ở làng Thành Đức (nay là nhà số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết). Kinh phí hoạt động của trường nhờ vào 2 nguồn: huê lợi từ 10 mẫu nhất đẳng điền do ông Huỳnh Văn Ðẩu - một phú gia có lòng ái quốc ở địa phương hiến cho và tài trợ của cơ sở Liên Thành Thương Quán. Nhờ đó học sinh ăn học không phải trả tiền, thầy giáo chỉ nhận trợ cấp mà không hưởng lương.Trường do ông Nguyễn Quý Anh làm Giám Hiệu, với hai giảng viên chính và 10 giáo viên,trường có 4 lớp học, số học sinh lúc cao nhất vào khoảng 100 người, chương trình dạy của trường do Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội biên khảo, chú giải, được gửi vào Phan Thiết. Trường có nội quy rất nghiêm cho tất cả học sinh. Buổi sáng hàng ngày từ lúc 6 giờ sáng, chiều lúc 17 giờ, sau khi tập thể dục xong, học sinh xếp hàng thật ngay ngắn đi vào lớp. Vào lớp rồi, tất cả học sinh xếp tay vòng trước ngực hát bài ca ái quốc, dựa theo Bài thơ "Quốc Hồn Ca" do Phan Chu Trinh viết vào năm 1907, được chọn làm bài học thuộc lòng cho mỗi môn sinh.
 
Tháng 8 năm 1910, Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô - vốn là bạn đồng liêu cũ của cụ Nguyễn Sinh Sắc - giới thiệu với Hồ Tá Bang đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Một trong những học sinh của trường là Nguyễn Kinh Chi con cụ Nguyễn Hiệt Chi, về sau là Bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Quốc hội khóa I - IV, là học trò trực tiếp của thầy Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy Chữ Quốc ngữ và Hán văn, ngoài ra, còn kiêm nhiệm dạy môn thể dục. Trong thời gian này, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, Nguyễn Tất Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh, Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh của mình du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, Đình làng Đức Nghĩa…. Những học sinh cũ của Thầy đều rất quí mến và kính trọng Thầy. Nhờ sự giáo dục hướng dẫn của thầy Nguyễn Tất Thành mà những học sinh đó sau này đều trở thành những hạt nhân trong phong trào cách mạng ở Phan Thiết và các đia phương khác  trong cả nước.
 
                                                                          Giếng nước
Ngoài việc dạy học Người còn trồng cây, chăm sóc vườn tược, cảnh quan trong trường. Hiện nay trong khu lưu niệm của trưởng Dục Thanh còn lưu giữ được cây khế mà Người đã tự tay trồng và giếng nước mà trước kia hàng ngày Người lấy nước tưới cây. Người còn tranh thủ thời gian tiếp xúc và tìm hiểu cảnh ngộ của những người dân nghèo, đàm luận với các nhân sĩ tiến bộ về những vấn đề thời cuộc. Thông qua đó nhằm truyền bá tư tưởng cách mạng và vận động giác ngộ cho người dân ở đây.
 
Tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn với giấy thông hành tên Văn Ba và bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước. Thời gian hoạt động ở trường Dục Thanh tuy không dài nhưng Người đã để lại nhiếu ấn tượng sâu sắc về vận động, giáo dục, tập hợp quần chúng, về gương quyết tâm vượt mọi khó khăn vươn lên để thực hiện mục tiêu cách mạng, đồng thời cũng để lại một dấu ấn lịch sử đáng ghi nhớ của dân tộc.
                                                                                      Bài: Trọng Chu
BBT.