Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Vũng Tàu ngân vang những giai điệu chèo Bắc bộ
09:23 | 03/12/2014 Print   E-mail    

 
Mặc dù không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng họ rất có ý thức trong việc gìn giữ và phát huy những làn điệu chèo, dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống. Đó là nhận xét của nhiều người về CLB văn nghệ Thái Bình, một trong những CLB chèo có mặt lâu năm tại TP. Vũng Tàu.
 
Quê ở tận Thái Bình nhưng do cuộc sống mưu sinh, ông Khổng Vũ Đảm đã vào TP. Vũng Tàu lập nghiệp. Vốn yêu những làn điệu chèo và dân ca từ nhỏ nên khi xa quê, ông vẫn luôn đau đáu với âm nhạc truyền thống. Những băng đĩa hát chèo mua ở ngoài thị trường về nghe vẫn chưa “đã”, nỗi nhớ quê lại càng day dứt hơn. Từ đó, ông Đảm quyết định phải thành lập một CLB chèo để thỏa niềm đam mê và làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Để thực hiện được kế hoạch này, vợ chồng ông Khổng Vũ Đảm và bà Nguyễn Thị Nhâm phải đến từng nhà người quen trong hội đồng hương Thái Bình ở TP. Vũng Tàu vận động những người biết hát chèo tham gia. Sau đó lân la đến cả những người quê Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nam Định… ai biết hát chèo, biết các làn điệu dân ca cũng kết nạp vào CLB. Thành lập từ tháng 7-2006, ban đầu CLB chỉ có khoảng 5 thành viên. Nhưng tiếng lành đồn xa, không cần đi vận động nữa mà tự những người yêu chèo, yêu dân ca cũng tìm đến xin gia nhập vào CLB. Anh Lê Trọng Văn, công tác tại XNLD Việt – Nga Vietsovpetro và Vũ Minh Phụng làm việc tại Hạt Kiểm lâm tỉnh không biết hát chèo nhưng cũng hăng hái tham gia sinh hoạt tại CLB với vai trò là nhạc công đàn bầu và đàn nhị.
 
Tính đến nay CLB văn nghệ Thái Bình có 25 thành viên chính thức. Ngoài ra còn có hơn 30 cộng tác viên khi có chương trình biểu diễn chỉ cần “alo” là sẵn sàng tham gia. Từ CLB chèo Thái Bình sau này ông Đảm đổi tên thành CLB văn nghệ Thái Bình. “Nhưng Thái Bình không còn là tên của một địa danh riêng nữa mà Thái Bình cũng là quê hương, là hiện thân của những làn điệu chèo, dân ca và nhạc cổ truyền”, ông Đảm giải thích. Gia đình ông Đảm còn dành hẳn cả 500m2 đất trong khu vườn nhà mình để làm nơi sinh hoạt, làm sân khấu biểu diễn cho CLB. Các thành viên trong CLB còn trang bị được khoảng 20 bộ quần áo chèo, 10 bộ trang phục quan họ và đầy đủ các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn T’rưng, đàn nhị, sáo, trống chèo, đàn nguyện, đàn tam, mõ và phách…
 
Một buổi sinh hoạt hát chèo của CLB văn nghệ Thái Bình
 
Sau gần 10 năm thành lập, CLB văn nghệ Thái Bình vẫn thường xuyên duy trì hoạt động đều đặn, mỗi tuần có một buổi tập vào chiều chủ nhật, mỗi quý có một buổi biểu diễn tại nhà hát của ông Khổng Vũ Đảm. Ngoài ra, CLB còn biểu diễn phục  vụ hội đồng hương, các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… “Không đặt vấn đề về tiền bạc bao giờ, các thành viên trong CLB văn nghệ Thái Bình vẫn luôn nhiệt tình tham gia”, cô Đỗ Nam Hải cho biết. Và chính những việc làm của CLB văn nghệ Thái Bình đã làm những nghệ sĩ chuyên nghiệp đánh giá cao. Nghệ sĩ Văn Hoàn (Đoàn Ca múa nhạc tỉnh) nhận xét: “Mặc dù không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng họ rất có ý thức trong việc gìn giữ và phát huy những làn điệu chèo, dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng”, nghệ sĩ Văn Hòan nhận xét.
 
Không khí chèo ở ngôi nhà ông Đảm (107/7 Hải Thượng Lãn Ông, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) trở nên rộn ràng khi hai “ca sĩ” Nguyễn Thị Nhâm và Đỗ Nam Hải trong trang phục áo tứ thân duyên dáng, xếp chân trên chiếc chiếu hoa rồi ngân nga, í a với một làn điệu chèo tươi vui Ai xui là xui bông lúa chín/ A, lúa đẹp, lúa xinh ý hì i… Giọng hát chèo của các cô cứ vang xa hòa trong tiếng đàn bầu réo rắt của chú Lê Trọng Văn, trong tiếng trống chèo dễ nghe của chú Khổng Vũ Đảm, tiếng đàn nhị mơ hồ, lãng đãng của anh Vũ Minh Phụng… khiến một buổi tập luyện của CLB văn nghệ Thái Bình mà rộn ràng không khác nào một chương trình biểu diễn.
 
Chị Như Hảo, thành viên trẻ tuổi (37 tuổi) không chỉ sở hữu chất giọng miền Bắc đặc trưng, giọng hát chèo trong trẻo và ngân vang mà dáng người của chị cũng mảnh mai phù hợp với một diễn viên chèo. Từng là diễn viên chèo của Đoàn chèo Thái Bình nhưng vì theo chồng lập nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu, chị Như Hảo đến với CLB văn nghệ Thái Bình như để trút bỏ nỗi nhớ sân khấu, nỗi nhớ những làn điệu chèo dễ thương của quê hương. Chị thường vào vai đào chính trong các trích đoàn chèo như Lưu Bình – Dương Lễ, Thị Mầu lên chùa…Không chỉ có Như Hảo mà các thành viên khác như Đỗ Nam Hải, Nguyễn Thị Nhâm… cũng là những đào chính diễn rất ngọt, để lại nhiều tiếng thơm cho CLB văn nghệ Thái Bình. Ngoài các trích đoạn , CLB văn nghệ Thái Bình còn để lại ấn tượng với khán giả nhờ những làn điệu chèo cổ như Đảo liễu, Một mình, Tò vò, Luyện năm cung…
 
25 thành viên chính thức trong CLB văn nghệ thái Bình hầu hết đã ngoài 50 tuổi, thậm chí có những thành viên đã ngoài 70 tuổi cũng tham gia CLB rất nhiệt tình. Vậy nhưng, tình yêu chèo và các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ dân tộc như xích họ lại gần nhau hơn, xóa hết mọi khoảng cách về tuổi tác, nghề nghiệp. “Hơn hết, CLB đã giúp cho những người yêu chèo được thỏa niềm đam mê, vơi đi nỗi nhớ quê hương”, ông Khổng Vũ Đảm, Chủ nhiệm CLB văn nghệ Thái Bình chia sẻ. Nghệ sĩ Văn Hoàn bình luận cái chất dân dã mộc mạc, nhắn nhủ duyên dáng, hài hước đã tạo dựng lên cái xương cốt của chèo với phong vị riêng. Nó nghiêm chỉnh đấy nhưng cũng hài hước ngay được. Nghệ thuật chèo đối với người nông dân Việt Nam vừa là sân khấu, vừa là thơ ca vừa là âm nhạc. Vì vậy mà mỗi lần CLB văn nghệ Thái Bình sinh hoạt hoặc biểu diễn, sân khấu ngoài trời trong khu vườn nhà ông Đảm như một nhà hát chật kín khán giả. Ông Đảm cho biết thêm, lúc đầu CLB văn nghệ Thái Bình chỉ diễn chèo nhưng sau này để chương trình phong phú hơn, ông dành 2/3 thời lượng chương trình cho chèo, phần còn lại là biểu diễn dân ca và nhạc cổ truyền.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.