Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn nặng về lý thuyết, ít thực hành
07:49 | 16/11/2014 Print   E-mail    

 

 
Hầu như năm nào Bộ giáo dục cũng đều có những sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục đại học từ việc thi cử cho đến nội dung giảng dạy nhưng đến nay thực sự vẫn chưa hoàn thiện. Hiện nay Việt Nam có 420 trường cao đẳng và Đại học (trên 90 triệu dân). Hằng năm, các trường Đại học đang cho “ra lò” nguồn nhân lực trình độ cao… nhưng nặng lý thuyết, yếu thực hành. Doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng nguồn lao động này khi sinh viên tốt nghiệp chỉ nặng về lý thuyết nhưng rất yếu về thực hành, không đạt hiệu quả trong công việc.
 
(sinh viên gặp khó khăn sau tốt nghiệp khi tìm việc làm – Hình minh họa)

Nội dung chương trình giáo dục Đại học được các nhà chuyên môn đánh giá là nặng về lý thuyết suông, xa rời thực tế. Đây là vấn đề muôn thuở của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã tồn tại cả chục năm về trước, nguyên nhân của vấn đề này là do thiếu sự liên kết chặt chẽ của nhà trường đối với doanh nghiệp, chưa nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thành ra nội dung đào tạo cứ lẩn quẩn bao nhiêu năm cũng chỉ có bấy nhiêu đó, dần dà trở nên lạc hậu vì thế không nắm bắt đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ lụy này dẫn đến nạn thất nghiệp tràn lan của sinh viên mới tốt nghiệp, thống kê năm 2013 cho thấy có tới 101.000 sinh viên thất nghiệp có bằng đại học.
 
Trong những kỳ họp của Quốc hội, khi nói về giáo dục- đào tạo, các Đại biểu thường cho rằng, giáo dục của chúng ta còn nặng về lý thuyết, ít thực hành. Thế mới có tình trạng thủ khoa đi làm thợ mộc, kỹ sư đi làm xe ôm, cử nhân đi bán hàng nước, đi làm giúp việc, dẫn tới lãng phí nguồn lực của xã hội và nhân dân.
 
(Học lý thuyết trên giảng đường Đại học – Hình minh họa)

Một yêu cầu quan trọng mà nhà tuyển dụng đòi hỏi từ sinh viên ra trường hiện nay là phải có kỹ năng thực hành. Tuy nhiên, theo điều tra của Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam, có tới 83% sinh viên ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng này. Thực trạng đó đã khiến không ít bạn trẻ đánh mất cơ hội tốt trên bước đường lập nghiệp. Vì vậy, trong đề án đổi mới giáo dục đại học, thì đào tạo kỹ năng thực hành cần được coi là một môn học trong các trường Đại học, nhằm tạo ra lực lượng lao động có chất lượng.
 
“Sinh viên Việt Nam, năng động, cần cù, chịu khó” – đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia giáo dục trên toàn thế giới khi đánh giá về sinh viên Việt Nam. Điều đó không sai khi mỗi ngày vẫn có hàng vạn sinh viên cần mẫn làm thêm sau mỗi tiết học cốt để có thêm thu nhập và quan trọng hơn là kinh nghiệp và va vấp trong cuộc sống. Song, trong số hàng vạn sinh viên đó không phải ai cũng may mắn lựa chọn được công việc làm thêm phù hợp với kiến thức mình đã học.
 
Không xin được việc làm, nhiều sinh viên Việt Nam phải làm những việc không đúng với chuyên môn của mình hoặc làm những việc lao động phổ thông, mở quán cafe… Và điều mà nhiều sinh viên khi ra trường mong muốn trong đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” lần này là những kỹ năng thực hành phải được đào tạo ngay trên ghế nhà trường, điều đó giúp nhiều thế hệ sinh viên ra trường sẽ không bỡ ngỡ vì không làm được việc mà mình được đào tạo và đó là điều mà toàn xã hội đang mong đợi.
 
Nói tóm lại, trong nhiều năm qua, giáo dục Đại học ở Việt Nam vẫn nặng về lý thuyết, ít thực hành. Đây là một thực trạng đòi hỏi ngành giáo dục cần suy ngẫm và có những đổi mới căn bản để không còn tình trạng lãng phí nguồn nhân lực sau khi đào tạo. Điều đó sẽ giúp Việt Nam chúng ta tiến nhanh hơn trong quá trình hội nhập và hợp tác Quốc tế./.
 
Bài: Lê Ngân
BBT.