Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Ebola
08:29 | 23/09/2014 Print   E-mail    

 

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola vào Việt Nam, ngày 9/8/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương nhanh chóng triển khai việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola. Thực hiện công điện này, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành y tế tỉnh đã và đang triển khai kế hoạch phòng chống bệnh do vi rút Ebola trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
 
  
Do Ebola có thời gian ủ bệnh dài, nên mầm bệnh có thể theo du khách, thủy thủ từ các nước vùng dịch thâm nhập vào Bà Rịa-Vũng Tàu qua đường biển. Vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Bộ đội biên phòng, Cục hải quan tỉnh và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu triển khai công tác kiểm dịch nhập cảnh cho các tàu đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 
 
Bác sĩ Phó Đức Thắng- Trưởng khoa kiểm dịch y tế biên giới- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh BRVT cho biết: “ khi nhận được thông báo từ Cảng vụ Vũng Tàu và Đại lý tàu biển, cán bộ kiểm dịch sẽ đi theo ca nô ra vùng neo bãi trước. Ngay sau khi tàu đến neo tại trạm hoa tiêu chúng tôi sẽ lên tàu làm các công tác chuyên môn cần thiết như kiểm tra thân nhiệt các thuyền viên, áp dụng các tờ khai y tế, kiểm tra công tác vệ sinh tàu. Nếu như không có các dấu hiệu gì nghi mắc bệnh Ebola thì tiếp tục cho tàu vào cảng. Nếu phát hiện thuyền viên có dấu hiệu mắc Ebola như sốt hay mệt mỏi hoặc có các dấu hiện khác thì chúng tôi sẽ báo ngay cho lãnh đạo Sở y tế để thực hiện các bước tiếp theo đúng như kế hoạch đã chuẩn bị sẵn và cho xe chuyên dụng đến cảng để đưa người nghi mắc bệnh đến khu cách ly tại Bệnh viện Bà Rịa”.
 
Bên cạnh việc giám sát ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh Ebola tại các cảng biển, Sở Y tế còn chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế. Hiện nay, các cơ sở y tế đều đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Ebola, đồng thời thành lập các đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết và tổ chức thường trực chống dịch theo quy định. Riêng bệnh viện Bà Rịa - đơn vị được giao trách nhiệm tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ mắc Ebola – hiện đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng về cơ sở vật chất, khu cách ly, trang thiết bị y tế chuyên dụng, túi phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, thuốc dự phòng và điều trị Ebola, phương tiện vận chuyển riêng biệt. Song song đó, công tác truyền thông cũng được ngành y tế chú trọng thực hiện.
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái-Phó giám đốc Sở y tế tỉnh BRVT cho biết: “ về phía bệnh viện, ở tình huống này, ngành giao cho Bệnh viện Bà Rịa chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và các khu vực cách li, kịp thời tiếp đón những trường hợp cần theo dõi, đồng thời giám sát ở cơ sở y tế, cũng như chuẩn bị các phương tiện, tập huấn, cập nhật các kiến thức về công tác điều trị theo hướng dẫn của bộ y tế, nhằm kịp thời phối hợp trong công tác chẩn đoàn và điều trị khi có trường hợp khó khăn xảy ra. Đối với công tác truyền thông, chỉ đạo cho TTGDSK tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh cũng như tuyên truyền cho người dân công tác phòng chống dịch, phối hợp với các cơ sở y tế, cán bộ y tế trong phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian vừa qua, công tác truyền thông cũng đã tham gia các cuộc tọa đàm trên Đài PT-TH tỉnh để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh này”
 
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới WHO, tính từ tháng 12/2013 đến ngày 5/9/2014 thế giới đã ghi nhận gần 4.000 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó đã có hơn 2 ngàn trường hợp tử vong tại 05 quốc gia Tây Phi: Guinea, Liberi, Nigeria, Sierra Leone, Công Gô. Hiện nay, dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm và có nhiều nguy cơ lan truyền sang các quốc gia khác.
 
Nghiên cứu mới đây của các tổ chức y tế cho thấy, bệnh sốt xuất huyếtdo virútÊ-bô-la làmột bệnh truyềnnhiễm cấp tính nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao ( có thể tới 90%) . Người bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc và xuất huyết phủ tạng. Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, có thể biến chứng suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh; động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. Các loài  tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương, nhím Châu Phi có thể là ổ chứa vi rút và có khả năng lây sang người hoặc người bệnh và người mang vi rút tiềm ẩn cũng có vai trò là nguồn truyền nhiễm trong chu trình lây từ người qua người. Hiện trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền cộng đồng. Do vậy, Cục y tế dự phòng khuyến cáo, trong trường hợp phải đến vùng dịch hoặc tiếp xúc với người vừa trở về từ vùng dịch, người dân cần lưu ý đến những thay đổi về sức khỏe cơ thể. Nếu thấy sức khỏe suy giảm và có các dấu hiệu giống biểu hiện của bệnh, nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế kiểm tra. Mặt khác, người dân nên giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với các loài vật trung gian có thể chứa vi-rút truyền bệnh như dơi, khỉ.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu