Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Trẻ hóa đội ngũ diễn viên: Không dễ
07:44 | 19/07/2014 Print   E-mail    

 
Cũng như nhiều đoàn nghệ thuật “tỉnh lẻ” khác, Đoàn ca múa nhạc tỉnh, đội thông tin lưu động tỉnh và các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật của Bà Rịa – Vũng Tàu đang đối mặt với thực trạng “lão hóa” đội ngũ làm nghệ thuật.
 
Khi chưa có đội ngũ kế cận thì nhiều diễn viên khá lớn tuổi của Đoàn ca múa nhạc
vẫn đảm nhiệm vai trò múa chính
 
Năm 1980, Đoàn ca nhạc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo được thành lập với biên chế là 25 cán bộ diễn viên. Lực lượng diễn viên chưa qua đào tạo, chủ yếu xuất phát từ niềm đam mê. Sau 3 năm hoạt động, đoàn đã bế tắc hoàn toàn do thiếu kinh phí hoạt động, diễn viên xin nghỉ để tìm nghề khác mưu sinh. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách Đoàn ca nhạc đặc khu Vũng Tàu – Công Đảo đã gầy dựng được tên tuổi của mình cho đến hôm nay với tên gọi là Đoàn ca múa nhạc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với biên chế là 60 cán bộ diễn viên. Tuy nhiên, lực lượng diễn viên trẻ có thể đảm nhiệm những vai múa chính, hát chính không phải là nhiều. Trong khi đó, những gương mặt quen thuộc như nghệ sĩ múa Khánh Đoan, Minh Hưng, Lan Anh; ca sĩ Thanh Phong, Ngọc Quỳnh... đã quá quen thuộc trong các chương trình ca múa nhạc của đoàn. Khi chỉ tiêu của đoàn là phục vụ 150 xuất diễn mỗi năm đến tất cả xã, phường, thị trấn trong tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang, các chuyên gia nước ngoài đang khai thác dầu khí và hợp tác với tỉnh, các buổi diễn phục vụ cho các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn, đối ngoại của tỉnh… việc gặp lại những gương mặt quá quen thuộc trên sân khấu dễ gây nên sự nhàm chán cho người xem.
 
Mặc dù có quy mô nhỏ hơn nhưng Đội Thông tin lưu động tỉnh cũng chung một hoàn cảnh: thiếu lực lượng diễn viên trẻ. Đội ngũ diễn viên quá mỏng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng các tiết mục vì vậy trong thời gian qua, Đội thông tin lưu động tỉnh đã tìm kiếm được một số cộng tác viên là nhóm nhảy hip – hop, các giọng ca học sinh sinh viên... Tuy nhiên lực lượng này lại không thường xuyên vì đa phần các em còn theo học nên khi cần chưa chắc đã có. Vì vậy, sự nỗ lực bù đắp ấy vẫn không làm giảm bớt nỗi lo về nguồn nhân lực kế cận và sự “lão hoá” của các gương mặt trên sàn diễn.
 
Để khuyến khích lực lượng diễn viên trẻ, trong các cuộc thi Liên hoan đờn ca tài tử năm nào Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng trao giải thưởng cho nghệ sĩ nhỏ tuổi nhất. Tuy nhiên, nguồn diễn viên trẻ vẫn thiếu hụt, đặc biệt là diễn viên trẻ của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng cổ, cải lương, đờn ca tài tử... Một nghệ sĩ tuồng cổ tâm sự: “Hầu hết các nghệ sĩ hát Tuồng cổ sinh hoạt trong CLB đều là những người có ba đến bốn đời tiếp nối nghệ thuật truyền thống của gia đình. Lực lượng diễn viên trẻ trong CLB cũng đã U30, trung bình cũng đã ngoài 50 hết rồi”.
 
Từ những câu chuyện trên để thấy rằng, trẻ hóa đội ngũ diễn viên, ca sĩ để phục vụ văn hóa nghệ thuật trên địa bàn tỉnh không phải là việc dễ làm. Bởi các môn nghệ thuật truyền thống thì ít đất diễn nên nghệ sĩ trẻ không đủ kiên trì theo đuổi. Đáng nói hơn, cái nôi đào tạo, nguồn cung cấp chủ yếu diễn viên trẻ cho các đoàn là trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật, Nhạc viện, trường Trung cấp Văn hoá - Nghệ thuật ở các tỉnh, thành lân cận lại... đang thiếu học viên. Diễn viên trẻ, đẹp, chuyên môn vững thường chọn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương hoặc các tỉnh, thành lớn hay được nhận làm việc cho các doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt. Cơ chế và thu nhập của Đoàn ca múa nhạc tỉnh, Đội thông tin lưu động tỉnh và các CLB nghệ thuật ở Bà Rịa – Vũng Tàu chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhân tài. Thiếu sự lựa chọn chất lượng “đầu vào” khiến việc tìm kiếm lực lượng kế cận và “trẻ hóa” đội ngũ diễn viên của đơn vị làm nghệ thuật trên địa bàn tỉnh rơi vào khó khăn.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu