Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Di tích lịch sử cách mạng nhà Má Tám Nhung - nơi giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ tại thành phố Vũng Tàu.
02:43 | 25/07/2018 Print   E-mail    

Kỷ niệm 71 năm ngày thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018):

Di tích lịch sử cách mạng nhà Má Tám Nhung - nơi giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ tại thành phố Vũng Tàu.

----------------- 

Di tích lịch sử cách mạng không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của cha anh, những người mẹ vĩ đại đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là bài học lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Bên cạnh những di tích lịch sử cách mạng khác tại thành phố Vũng Tàu thì Di tích lịch sử cách mạng nhà Má Tám Nhung vẫn mãi là nơi để mỗi người dân, các bạn trẻ của thành phố được tri ân sâu sắc, được giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Phường Thắng Nhì tổ chức dâng hoa, thắp hương khu di tích lịch sử nhà má Tám Nhung nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018) 

Những ngày tháng Bảy đầy ân tình này, nhà má Tám Nhung - tọa lạc trên đường Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu lại đông đúc các cơ quan, đơn vị, các bạn trẻ trên quê hương Vũng Tàu thân yêu đến thăm viếng để thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của Má Tám Nhung cho nền độc lập, tự do của dân tộc, của thành phố. Qua đó, thế hệ trẻ thành phố Vũng Tàu càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc phát huy truyền thống của dân tộc, từ đó càng quyết tâm rèn luyện, học tập và công tác tốt để tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc, để xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh hơn.

Theo lịch sử cách mạng Vũng Tàu thì Má Tám Nhung tên thật là Hồ Thị Khuyên, sinh năm 1905, tại xã Tân Định, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1945, má Tám Nhung đã bí mật liên lạc với nhóm Việt Minh và binh vận ở Vũng Tàu, hình thành bộ phận cốt cán trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, gia đình má Tám Nhung đã nuôi giấu, che chở cho hàng trăm cán bộ cách mạng. Hai người con của má Tám Nhung đều tham gia cách mạng và hy sinh. Má Tám Nhung được Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Căn nhà của má Tám Nhung được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Di tích gồm một căn nhà, một hầm bí mật, các hiện vật và năm 1987, để tưởng nhớ công ơn của má Tám, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã dựng tượng đá chân dung Má trong khuôn viên vườn nhà.

Tại di tích lịch sử cách mạng nhà Má Tám Nhung, cách đây 73 năm, vào tối 25/8/1945, cả hai nhóm “Việt Minh” và “Binh vận” đã họp và đi đến quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa Vũng Tàu, đồng thời thành lập “Đội cảm tử quân cách mạng” làm nhiệm vụ bảo vệ Ủy ban khởi nghĩa. Và Ủy ban khởi nghĩa đã đứng ra kêu gọi nhân dân Vũng Tàu tham gia giành chính quyền. Mít tinh tiếp nhận chính quyền về tay nhân dân ở Vũng Tàu được tổ chức tại sân vận động Lam Sơn vào sáng 28/8/1945.

Đến với Di tích lịch sử cách mạng nhà Má Tám Nhung, chúng ta sẽ được thấy căn hầm bí mật được xây vào Tháng 6 năm 1967 dưới hình thức là bể chứa nước chiều dài là 2m, rộng 1,8m. Bể chứa nước được chia 2 phần đều nhau. Nửa làm hầm không có nước, hầm được mở một cửa. Nắp hầm là hình thức bức vách rộng 40 cm, dài 80cm, trên nắp hầm được ngụy trang bằng dụng cụ của gia đình để lên trên. Một cửa vào ra là vách nhà. Muốn vào hầm thì đi vào buồng, vách vào được đóng bằng bản lề phía trên với một cây ngang, khi có động cán bộ chỉ cần đẩy bức vách bước xuống hầm rồi đóng lại thì nhìn bên ngoài như một bức vách của vách nhà, rồi để một tủ nhỏ đựng chén đĩa để ngụy trang. Nửa còn lại là bể nước có máng xối, kề vách nhà bố trí thành buồng ngủ, bên cạnh chiếc gường gỗ và một tủ nhỏ đựng chén đĩa để ngụy trang nơi cửa hầm. Đây là cơ sở bí mật an toàn cho các đồng chí trong thành ủy Vũng Tàu hoạt đông từ năm 1968 cho đến ngày Vũng Tàu giải phóng.

Theo Cán bộ Văn hóa của phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu thì vài năm trước đây di tích lịch sử nhà má Tám Nhung bị xuống cấp, bị bao vây bởi nhiều hàng quán và nhà trọ. Bên cạnh đó, khuôn viên di tích bị chiếm dụng làm nơi vá lưới, thỉnh thoảng còn được cho thuê làm nơi tổ chức hội chợ, gây ồn ào, mất trật tự…Nhận thấy được tầm quan trọng của di tích lịch sử nhà Má Tám Nhung trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của thành phố và để trân trọng, giữ gìn những giá trị di tích lịch sử cách mạng của thành phố nên ngày 12-9-2013, UBND thành phố Vũng Tàu đã khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử nhà má Tám Nhung và Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng tại đường Trần Xuân Độ, phường 6, thành phố Vũng Tàu. Riêng khu di tích lịch sử nhà mà Tám Nhung đã được cải tạo lại toàn bộ theo nguyên trạng quy mô cấp IV, cao 1 tầng, có diện tích xây dựng 120m2.

Những hiện vật và chân dung của má Tám Nhung bên trong ngôi nhà mới được bổ sung gần đây 

Sau khi công trình trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử nhà mà Tám Nhung được hoàn thành, UBND thành phố Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục bổ sung hiện vật bên trong ngôi nhà để Di tích này mãi là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia được nhiều người biết đến. Các hiện vật bên trong ngôi nhà được bổ sung gần đây gắn liền với những hình ảnh, hoạt động cách mạng của má Tám Nhung. Di tích lịch sử Má Tám Nhung hôm nay đang là địa chỉ để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường Thắng Nhì và thành phố Vũng Tàu đến thăm viếng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Có thể thấy rằng, thế hệ trẻ hôm nay được thừa hưởng một di sản truyền thống quý giá của dân tộc và những tấm gương sáng chói của cha anh, của những người mẹ Việt Nam anh hùng vĩ đại. Giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ tại thành phố Vũng Tàu thông qua những di tích lịch sử cách mạng như Di tích lịch sử cách mạng Nhà Má Tám Nhung, di tích lịch sử Bạch Dinh, Đền thờ Liệt sĩ thành phố, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố… đang là một việc làm được các cấp, các ngành, các địa phương tại thành phố Vũng Tàu quan tâm, thực hiện./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu