Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Người lưu giữ tâm hồn của sách
01:42 | 23/08/2017 Print   E-mail    


Đến Thành phố biển, nhắc đến “Thư đạo nhân quán” nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ông, người sở hữu kho tàng sách cổ vô giá, ông thường được gọi với cái tên trìu mến “ông Sanh sách”, ông là Nguyễn Hồng Sanh hiện đang ở tại số nhà 42 Trương Công Định, Phường 3, thành phố Vũng Tàu.
 
Tìm đến nhà ông vào buổi sáng đẹp trời, khi được biết chúng tôi muốn tìm hiểu về ông và kho sách ông đang lưu giữ, vợ chồng ông vui vẻ chào đón. Ở cái tuổi 82, sức khỏe đã giảm sút nhưng nhắc đến sách là ánh mắt ông sáng lên. Với đôi chân đi run run ông vẫn dẫn chúng tôi đến kho sách đang lưu giữ, nhìn kho sách mới thấy được lòng nhiệt huyết, đam mê sách của ông lớn như thế nào. Ông cho biết từ nhỏ đã có đam mê với sách, vì nhà nghèo không có tiền mua sách nên cậu học trò nhỏ Hồng Sanh thường mượn sách của những bạn học nhà giàu, trong thời gian mượn sách đó, cậu bé nhanh chóng chép tay cho xong cuốn sách trước khi mang trả cho bạn. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn, Nguyễn Hồng Sanh trở thành “ông giáo”, dạy hai môn Văn và Pháp văn tại Vũng Tàu từ năm 1956-1975.
 
Làm nghề giáo, đồng lương không nhiều, nhà lại đông con nhưng ông vẫn dè xẻn từng đồng chi tiêu, sống cần kiệm để dành tiền mua sách. Để có được gia tài sách như giờ là cả một đời ông tích cóp, không quản mưa nắng nặng nhọc, không ngại bụi bặm, dơ bẩn. Ông tìm mua sách từ nhiều nguồn, từ hàng ve chai, từ những hiệu sách cũ, từ nhiều tỉnh thành và từ các thư viện gia đình. Cứ để dành được một khoản tiền kha khá hay lãnh lương hưu cuối tháng là ông lại lặn lội đáp xe đò lên Sài Gòn, vào những tiệm sách cũ để lục tìm những cuốn sách mình cần, mua được những cuốn sách quý. Năm 1960, khi còn dạy học, ông Sanh đã mở hiệu sách Nhân đạo thư quán vừa để thỏa mãn thú chơi sách vừa làm chỗ mua bán, cho thuê sách như một nghề kiếm sống. Cái tên Nhân đạo thư quán xuất phát khi ông giáo Sanh đọc tờ báo L’Humanité (báo Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp). Lúc ấy, tuy sống dưới chế độ cũ nhưng tâm hồn, ý nghĩ của ông giáo Sanh luôn hướng về cách mạng. Ông mong ước hiệu sách của mình sẽ giúp ích cho nhiều người trong việc bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ theo tinh thần “Nhân đạo” mà ông ấp ủ. Sau năm 1975, ông Sanh vẫn tiếp tục theo nghề giáo và là giáo viên dạy Văn cho Trường Bổ túc văn hóa cán bộ tại Vũng Tàu. Đến năm 1989 ông về hưu, Nhân đạo thư quán được khôi phục lại, ở địa chỉ 45 Nguyễn Trường Tộ từ đó cho đến năm 2012.
 
“Ông Sanh sách” bên cạnh một góc sách trong kho lưu trữ của gia đình
Vào nhà ông, được ngắm nhìn kho sách mới thấy được bộ sưu tập đồ sộ và vô giá. Ông cất giữ rất nhiều sách kim cổ mà không phải bất cứ nhà sách nào hiện nay cũng có được. Tìm một cuốn sách hay để đọc đã là điều khó, lưu giữ được nó lại càng khó hơn. Vậy mà “ông Sanh sách” lại lưu giữ được một tài sản sách vô cùng đồ sộ. Không thể đếm được bao nhiêu quyển sách trong nhà của ông, chúng tôi ước chừng hàng triệu bản sách. Như vậy nghĩa là Sanh sách đang sở hữu hàng triệu kho tàng kiến thức. Ông cho biết 5 năm nay, do tuổi cao nên ông đóng cửa “Thư đạo nhân quán”, bộ sưu tập sách của ông được đóng gói lưu giữ trong kho của gia đình, tuy nhiên nhiều người biết đến ông vẫn tìm đến, tìm hiểu và mua những loại sách quý do ông gìn giữ, mặt khác do để trong kho nên bị mối mọt ăn, do đó số lượng sách đã bị giảm xuống.
Hiện tại, thành phố Vũng Tàu đang có chủ trương thâu lại số sách do ông lưu giữ để xây dựng thành nhà sách cổ nhằm bảo tồn số sách quý, đồng thời xây dựng nhà sách cổ để phát triển du lịch. Ông cho biết sẽ sẵn sàng nhượng lại số sách này cho Thành phố. Và với ý nghĩa đó, số sách cổ ông lưu giữ sẽ được giữ gìn, bảo tồn cho thế hệ sau./.
Bài, ảnh: Huy Tuấn, BBT
 
 
 
 
 
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu