Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Mãi mãi đi theo con đường Bác đã chọn
08:23 | 02/06/2017 Print   E-mail    

Kỷ niệm 106 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2017) 

Mãi mãi đi theo con đường Bác đã chọn

-------------- 

Có một con đường mà Bác Hồ đã đi…Con đường đó đầy chông gai và thử thách nhưng đó cũng là một con đường rất vinh quang, rất tự hào của Đảng và nhân dân Việt Nam. Con đường Bác đi được bắt đầu cách đây tròn 106 năm, ngày 5-6-1911, tại cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, đã có quá nhiều sự đổi thay; nhưng con đường Bác đã chọn vẫn còn đó, vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho Đảng ta và nhân dân ta. Chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn.

Description: http://backan.gov.vn/PictureLibrary/8424555f6c8e9d97/13.jpg

Bến cảng Nhà Rồng – nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (ảnh tư liệu) 

Những năm tháng tuổi thơ của Bác trên quê hương cách mạng, chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Bằng sự hiểu biết của bản thân, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Và ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào.

Ngày Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu dân. Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc. Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở về Pháp, sống ở Paris, tham gia những hoạt động của Đảng xã hội Pháp, tham gia trong hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp. Và đặc biệt, khi tiếp cận được với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa thì đích Người cần tìm đã đạt được. Luận cương của Lênin đã chỉ ra những điều mà Người đang tìm, tức là chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có cách mạng vô sản mới là con đường giải phóng chúng ta.

Gần 1/3 thế kỷ bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã và đang vững bước đi theo con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian, đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sau hơn ba mươi năm đổi mới và trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, kết hợp với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của thời đại, với sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước và sự phấn đấu nỗ lực của toàn xã hội, chúng ta đã và đang vững bước trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. So với thời kỳ trước đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Tuy Bác đã đi xa, nhưng con đường Bác đã chọn và tư tưởng của Người luôn là di sản vô cùng quý báu đối với hoạt động thực tiễn của chúng ta hôm nay và mai sau. Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, về con đường mà Bác đã đi, mỗi người dân Việt Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh, xây dựng và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và nguyện mãi mãi đi theo con đường bác đã chọn./.

Bài: Lê Ngân, BBT

 

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu