Liên Kết Website Liên Kết Website
Danh lam thắng cảnh Danh lam thắng cảnh
Dấu ấn kiến trúc cổ Pháp ở Vũng Tàu.
02:08 | 17/04/2014 Print   E-mail    

 

Nét cổ kính, mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu làm nên vẻ đẹp riêng biệt của các công trình kiến trúc cổ Pháp ở TP. Vũng Tàu. Những công trình kiến trúc cổ này tồn tại hơn 100 năm nay, song hành cùng với quá trình đô thị hoá của thành phố biển.
 
Ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, nếu như trước đây, TP. Vũng Tàu có hàng trăm công trình kiến trúc kiểu Pháp trên 100 năm tuổi, thì nay, qua thời gian sàng lọc cùng với quá trình đô thị hoá, chỉ còn lại hơn 20 ngôi nhà kiểu kiến trúc Pháp, chủ yếu ở dạng biệt thự “PO” (Pavillon des officiers).
 
Các công trình kiến trúc Pháp xuất hiện tại TP. Vũng Tàu từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Một số công trình cổ kiến trúc kiểu Pháp còn hiện hữu tại TP. Vũng Tàu như: di tích lịch sử Bạch Dinh trên núi Lớn, cà phê Garden (đường Hoàng Diệu), khách sạn Grand (đường Nguyễn Du), Nhà truyền thống Cách mạng TP. Vũng Tàu (đường Bacu), trụ sở làm việc của UBND phường 1 (đường Trần Hưng Đạo); trụ sở Sở Giao thông - Vận tải (cũ), Thư viện TP. Vũng Tàu (trên đường Lý Thường Kiệt); Trung tâm Văn hoá tỉnh (cũ), Công ty Khí PV Gas (đường Lê Lợi), ngọn Hải Đăng trên núi Nhỏ…
 
Description: C:\Users\Admin\Desktop\hinh 1.jpg
 
Một trong những công trình kiến trúc kiểu Pháp tiêu biểu, nổi tiếng là di tích lịch sử Bạch Dinh. Chị Luyện Thị Lý, hướng dẫn viên tại Khu di tích lịch sử Bạch Dinh cho biết, Bạch Dinh mang đậm kiến trúc kiểu Pháp thế kỷ XIX. Toà nhà có chiều cao 15m, dài 28m, rộng 15m, gồm ba tầng: tầng hầm, tầng trệt và tầng lầu. Mặt ngoài của tòa Bạch Dinh được trang trí hoa văn cổ xưa và những hình vẽ chân dung các vị thánh thời cổ Hy Lạp cùng những gương mặt phụ nữ châu Âu xinh đẹp. Hoa cúc, hoa hướng dương viền từng mảng quanh ngôi nhà làm cho Bạch Dinh thêm lộng lẫy. Đôi chim công với màu xanh ngọc, điểm xuyết những chấm bạc lấp lánh đang xòe cánh múa làm cho dáng dấp ngôi nhà thanh thoát. Toàn bộ ngôi nhà được quét vôi trắng, phía trên lợp ngói đỏ tươi, phía dưới là mảng viền trang trí tinh tế và mỹ thuật. “Nếu muốn chiêm ngưỡng được vẻ đẹp tráng lệ và kỳ diệu của toà nhà Bạch Dinh, du khách nên đến tham quan vào lúc bình minh lên hay khi chiều xế bóng, khi đó, những bức tượng ký hoạ chân dung đối xứng trên nền chim công trở nên lấp lánh dưới ánh mặt trời”-chị Lý nói thêm.
 
Ngọn Hải Đăng Vũng Tàu cũng là một công trình kiến trúc cổ đẹp ở Vũng Tàu. Công trình này được người Pháp xây dựng năm 1862, nằm ở độ cao 149m so với mực nước biển. Đến năm 1913, người Pháp xây dựng lại ngọn hải đăng, dời độ cao từ 149m lên 170m so với mực nước biển. Hải đăng Vũng Tàu được xem là một trong những hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Với kiến trúc và kiểu dáng cổ điển kiểu Pháp, Hải đăng Vũng Tàu là hình tháp trụ cao 18m, đường kính 3m, bên trong có cầu thang dẫn lên đỉnh và ban công. Hải đăng Vũng Tàu có nhiệm vụ chỉ dẫn cho tàu thuyền hàng hải ra vào ra vịnh Gềnh Rái an toàn. Ngày nay, Hải đăng Vũng Tàu được xem như là biểu tượng của thành phố biển. Đến đây, du khách cảm nhận được vị mặn nồng của làn gió biển thổi vào, đồng thời, đây là nơi lý tưởng để ngắm toàn cảnh TP. Vũng Tàu. Bạch Dinh và ngọn Hải đăng là các công trình chứa đựng nhiều giá trị văn hóa-lịch sử, được phát huy để phát triển du lịch  địa phương. Còn các công trình như: Nhà truyền thống Cách mạng Vũng Tàu, Thư viện TP. Vũng Tàu, UBND phường 1, Trung tâm Văn hóa tỉnh (cũ)… được TP. Vũng Tàu dùng làm trụ sở làm việc, hội họp, thư viện, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao… trong nhịp sống hiện đại.
 
Các công trình kiến trúc cổ Pháp tồn tại cùng với thời gian và sự biến đổi của lịch sử. Dáng dấp của các công trình kiến trúc cổ Pháp tại Vũng Tàu không chỉ minh chứng cho sự ra đời của một đô thị mà còn thể hiện nền văn minh của con người. Những công trình đó là công sức, tiền của của người Pháp khai thác từ Việt Nam, đồng thời, nó còn ghi nhận dấu ấn bàn tay con người Việt Nam đã góp phần kiến tạo nên. “Vì vậy, chúng ta cần bảo tồn, gìn giữ những giá trị tinh hoa ấy để giữ cho đô thị một hình ảnh liên tục của các giai đoạn phát triển khác nhau để đô thị Vũng Tàu có thể coi là một “pho sách” về lịch sử hình thành và lịch sử kiến trúc của con người”-ông Phạm Chí Thân nói.

 

Bài, ảnh: Nguyệt Cát

BBT.

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu