Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tư vấn triển khai mô hình trường học bậc THCS mới tại tỉnh BR-VT
03:11 | 14/12/2015 Print   E-mail    

 

Nhằm giúp BR-VT triển khai tốt hơn mô hình trường học mới ở bậc THCS, chiều ngày 12-12 tại Trung tâm hành chính tỉnh, Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có buổi tư vấn và giải đáp các thắc mắc của gần 600 cán bộ, giáo viên các trường học trong toàn tỉnh. Đến dự còn có ông Trần Đình Khoa-Ủy viên BTV Tinht ủy- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị về tình hình triển khai mô hình trường học mới của tỉnh BR-VT, ông Nguyễn Thanh Giang- GĐ Sở GD-ĐT cho biết, BR-VT bắt đầu triển khai mô hình trường học mới ở bậc tiểu học từ năm 2012-2013, đến đầu năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT bắt đầu triển khai mô hình trường học mới ở bậc THCS. Theo đó, đến nay đã có 114/140 trường Tiểu học với hơn 25% học sinh tham gia,  62/87 trường THCS với hơn 36% học sinh tham gia. Các trường tham gia thực hiện trên tinh thần tự nguyện, đăng ký với các phòng Giáo dục và Đào tạo và đăng kí theo lộ trình từng năm học tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và tình hình giáo viên của các đơn vị.

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao công tác triển khai mô hình trường học mới của tỉnh BR-VT. Sở GD-ĐT, các địa phương và các trường học tại BR-VT đều rất chủ động và có nhiều sáng kiến trong việc khắc phục khó khăn, tạo điều kiện để GV được học tập, tập huấn và áp dụng tốt mô hình này. Theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nhược điểm của giáo dục phổ thông ở nước ta trong thời gian qua là còn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, kiến thức không gắn với thực tiễn, rèn luyện kỹ năng còn ít, nhà trường chưa gắn tốt với gia đình và XH. Nội dung, phương pháp dạy học còn nặng nề, áp đặt, quá tải, giáo viên dạy theo lối truyền đạt kiến thức một chiều không gây hứng thú học tập cho học sinh. Mô hình trường học mới có thể khắc phục được những hạn chế trên. So với phương pháp dạy truyền thống, mô hình trường học mới có nhiều điểm vượt trội hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Mô hình trường học mới khác với mô hình cũ.  Mô hình cũ là giáo viên  dạy  cả lớp nghe, học sinh giỏi hơn hay học sinh yếu hơn rất khó phát hiện. Nhưng ở mô hình mới này học sinh dễ được phát hiện,  những em HS yếu hay giỏi đều dễ bộc lộ ra và từ đó giáo viên sẽ có phương án giải quyết đối với các em yếu cũng như các em giỏi. Như vậy Mô hình mới này tạo điều kiện để nàh trường và giáo viên phân hóa học sinh”,

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm: mô hình trường học mới tuy giảm bớt áp lực, quá tải cho học sinh, song vẫn đảm bảo những nội dung trong khung chương trình để học sinh tham gia tốt các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT. Và trong thời gian gần đây, Bộ GD-ĐT cũng đã có những thay đổi về cách thức thi cử nhằm khắc phục những hạn chế của phương pháp học cũ và phù hợp hơn với phương pháp dạy học mới.

Giải đáp các băn khoăn thắc mắc của các cán bộ, giáo viên tỉnh BR-VT, lãnh đạo Bộ GD-ĐTcho biết, để thực hiện hiệu quả mô hình trường học mới, các trường THCS không nên xếp quá 45 học sinh/lớp. Bởi số lượng nhóm học sinh càng ít thì việc tương tác giữa giáo viên và  học sinh càng hiệu quả. Các lớp cũng có thể dở bỏ luôn bục giảng để tạo không gian rộng hơn, gần gũi hơn giữa GV và HS. Việc trang trí lớp học chủ yếu nên để giáo viên và học sinh cùng làm với các vật liệu dễ kiếm, dễ làm và không nên quá đắt tiền. Các lớp có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ đoàn-đội, hội phụ huynh nhưng không được bắt buộc phụ huynh đóng góp. Và việc trang trí lớp học không phải chỉ để cho đẹp mà chủ yếu phục vụ cho các hoạt động thực tế trong bài giảng. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tính toán lại làm thế nào để hạ giá sách giáo khoa phù hợp với tất cả các hoc sinh ở các vùng miền, nhất là vùng sâu vùng xa. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường tập huấn cho cán bộ, giáo viên các trường trong toàn quốc, trong đó có BRVT trong thời gian tới. 

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, Bộ GD-ĐT không bắt buộc các địa phương, các trường phải thực hiện theo mô hình trường học mới. Tuy nhiên, đây là mô hình trường học tiên tiến hiện đại, phù hợp với điều kiện của các nước đang phát triển như Việt Nam. Với mô hình này, học sinh được tự quản, được rèn luyện kỹ năng sống trong tập thể, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng hợp tác, chia sẻ với nhau. Việc học không chỉ mang đến kiến thức, rèn kỹ năng sống, mà còn hình thành đạo đức, nhân cách cho các em học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm trong lớp học và ngoài xã hội… Bài học của học sinh, không chỉ có phần lĩnh hội kiến thức mới, mà còn có phần để các em thực hành kiến thức. Và như vậy, mô hình mới có thể đáp ứng được nhiều mục tiêu giáo dục, gắn kết tốt hơn nhà trường với gia đình và XH, gắn lý luận với thực tiễn, gắn học với hành. Mô hình này còn đáp ứng được nhiều yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện mà Bộ GD-ĐT đang hướng tới. Vì vậy, các địa phương, các trường nên triển khai áp dụng nếu có điều kiện./.

Bài, ảnh: Minh Anh, BBT

   

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu