An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Cách mạng tháng Tám ở Vũng Tàu
08:35 | 19/08/2014 Print   E-mail    

 

         
Trước cách mạng Tháng Tám 1945, thành phố Vũng Tàu khi đó gọi là thị xã, gồm 3 xã: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, dân số khoảng 8.000 người, đa số là dân lao động, nhiều người ở địa phương khác đến làm ăn sinh sống. Vũng Tàu nằm ở cửa ngõ ra vào Sài Gòn, có vị trí đặc biệt về kinh tế, chính trị, quân sự. Vì thế thực dân Pháp xây dựng nơi đây thành nơi nghỉ mát, an dưỡng, đồng thời là căn cứ quân sự và huấn luyện quân đội của chúng.
 
Sống trong vòng kiểm soát chặt chẽ của chế độ thực dân, việc phát triển cơ sở Đảng cực kỳ khó khăn nhưng nhân dân Vũng Tàu luôn mang trong mình lòng tự hào dân tộc, căm ghét kẻ thù xâm lược, sẵn sàng đứng lên khi có thời cơ giành quyền làm chủ.
 
Từ năm 1930 đến năm 1945 ở Vũng Tàu chưa có tổ chức Đảng cộng sản, nhưng một số đảng viên và cán bộ tham gia phong trào yêu nước tại các địa phương trong cả nước trốn sự truy lùng của thực dân đã vào Vũng Tàu sinh sống và từng bước xây dựng cơ sở. Ông Nguyễn Ngọc Bảo nguyên là đảng viên Đảng Tân Việt hoạt động tại Thanh Hóa, sau bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Thời kỳ đấu tranh đòi dân, dân chủ ông được ân xá, nhờ tổ chức giúp đỡ ông vào Sài Gòn hoạt động. Bị địch truy bắt gắt gao, ông bí mật đến Vũng Tàu mở hàng ăn ở Bến Đình để chờ thời cơ hoạt động. Một thời gian sau ông liên lạc với Nguyễn Xuân Nhật, Hồ Sĩ Nam (Hồ Sĩ Ninh), những người từng tham gia phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh tránh giặc khủng bố lưu lạc nhiều nơi vào Vũng Tàu làm nghề thầu xây dựng. Nhóm cách mạng này chủ yếu tuyên truyền hoạt động trong số những công nhân người Trung, Bắc bộ. 
 
Ngoài cơ sở cách mạng của Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Xuân Nhật, Hồ Sĩ Nam, ở Vũng Tàu còn có ông Lê Đình Y, Bùi Cửu, Nguyễn Ngoạn là những cơ sở binh vận của Xứ ủy được xây dựng trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa Nam kỳ tháng 7-1940. Hoạt động trong Tiểu ban binh vận vùng 2 của Xứ ủy Nam bộ do đồng chí Thanh Phong (tức Phạm Hồng Thám) phụ trách các đồng chí đã tích cực hoạt động tuyên truyền, giác ngộ anh em binh lính người Việt đồn trú tại Vũng Tàu.
 
Năm 1944, đồng chí Dương Bạch Mai, đảng viên của Xứ ủy Nam kỳ về Vũng Tàu vận động và xây dựng được nhóm Thanh niên Cứu quốc gồm thầy giáo Trần Văn Quang, công chức bưu điện Nguyễn Văn Thừa, Nghiêm Xuân Bích, Nguyễn Văn Tỉnh, Nguyễn Văn ảnh. Nhóm thanh niên Cứu quốc này hoạt động dựa vào tổ chức hướng đạo sinh để tuyên truyền trong thanh niên học sinh, công chức tinh thần yêu nước, căm ghét thực dân và bè lũ tay sai.
 
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), phong trào kháng Nhật do Ban Thường vụ Trung ương Đảng phát động như một dòng thác đã tác động mạnh mẽ đến ý thức dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dânVũng Tàu. Phong trào Thanh niên Tiền phong khởi xướng từ Sài Gòn, tháng 5-1945 phát triển mạnh mẽ và lan rộng về các tỉnh. Đông đảo thanh niên Vũng Tàu hăng hái tham gia, Thanh niên Tiền phong trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào quần chúng đứng lên giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Vũng Tàu. Thanh niên Tiền phong Vũng Tàu do Dương Văn Minh (cảnh sát trưởng) làm thủ lĩnh (ông Dương Văn Minh trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng miền Nam là Thủ tướng chính phủ Việt Nam cộng hòa). Tuy được chính quyền thân Nhật giao phụ trách nhưng Dương Văn Minh không lãnh đạo và chi phối được phong trào Thanh niên Tiền phong khi đó .Tại Vũng Tàu xã nào cũng thành lập tổ chức TNTP. Xã Thắng Tam, thanh niên Tiền phong do Lê Tấn Thông và Lê Tấn Ngôn – là phần tử Trốtkít đứng đầu. Nhóm Thanh niên Tiền phong Thắng Nhì do ông Nguyễn Hoài Đức (Năm Thà) phụ trách. Nhiều thanh niên học tại Sài Gòn đã “xếp bút nghiên, lên đường” trở về cùng lực lượng thanh niên Tiền phong Vũng Tàu hăng hái tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ, biểu diễn văn nghệ, phổ biến những bài hát cách mạng, luyện tập quân sự, tuần tra canh gác giữ gìn trật tự xóm làng.
 
Hình ảnh những thanh niên hoạt động sôi nổi, hát vang những bài hát yêu nước, cách mạng như Lên đàng, Xếp bút nghiên, Tiến quân ca, Diệt phát xít của các nhạc sĩ Lê Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi trở nên thân thiết với mọi người dân. Hoạt động tích cực sôi nổi của Thanh niên Tiền phong đã lôi cuốn thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân Vũng Tàu tham gia, cả người già, phụ nữ, trẻ em, công chức và một số binh lính.
         
Trước bối cảnh lịch sử và thiêng liêng đó, tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở các địa phương diễn ra liên tục, cấp bách với một khí thế cách mạng dâng cao rung chuyển trong cả nước.
 
Trong đêm 17 và 18-8, Xứ ủy Nam Kỳ họp tại Chợ Đệm (nay là xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM) quyết định khởi nghĩa thí điểm ở  Tân An và khẩn trương huy động lực lượng chuẩn bị giành chính quyền tại Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ.
 
Tin chiến thắng từ khắp nơi dồn dập đến Vũng Tàu. Ngày 19-8, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội. Ngày 23-8, hơn 15 vạn nhân dân Huế xuống đường, chiếm công sở và buộc bảo đại phải thoái vị...
 
Khí thế cách mạng sôi sục dâng cao trong cả nước, ở Vũng Tàu bộ máy chính quyền địch rệu ra, tê liệt. Trước tình hình đó, các đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Hồ Sĩ Ninh, Nguyễn Xuân Nhật cùng nhóm binh vận Lê Đình Y, Bùi Cửu tìm cách liên lạc với Xứ ủy thành lập đoàn Việt Minh Vũng Tàu tham gia cùng đồng bào Sài Gòn míttinh ginh chính quyền vo sng 25-8-1945. Sau đó đoàn cùng với đồng chí Nguyễn Lộc, phái viên quân sự của Xứ ủy nhận nhiệm vụ về Vũng Tàu phát động nhân dân đứng lên giành chính quyền. Thuê hai chiếc xe ô tô, trang trí cờ, biểu ngữ đoàn tiến vào Vũng Tàu diễu hành khắp các đường phố, dùng loa kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa.
 
Tại cuộc họp đêm 25-8-1945 ở nhà ông bà Huỳnh Văn Nhung-Hồ Thị Khuyên dưới chân Núi Lớn, Uỷ Ban Khởi nghĩa Vũng Tàu và lực lượng vũ trang cách mạng -Cảm tử quân đã được quyết định thành lập. Trong hai ngày, 26 và 27-8-1945 hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban khởi nghĩa, hơn 40 thanh niên ra nhập đội Cảm tử quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Đình Y với vũ khí ban đầu có 22 khẩu súng trường, 3 khẩu súng lục, còn lại là mã tấu, lưỡi lê. Đêm 27-8, tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo mọi người thức suốt đêm may cờ chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa.
 
Theo hiệu triệu của Uỷ ban khởi nghĩa, rạng sáng 28-8-1945 Vũng Tàu rợp màu cờ đỏ sao vàng, rầm rập nhịp bước chân của hơn 4000 đồng bào xuống đường, cùng những đảng viên cộng sản, cán bộ Việt Minh và lực lượng Thanh niên Tiền phong tiến vào sân vận động Lam Sơn míttinh biểu dương lực lượng giành chính quyền. Đội Cảm tử quân đi đầu bảo vệ Uỷ ban khởi nghĩa và nhân dân tham gia míttinh.
 
Đồng chí Lê Đình Y thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa của Tổngbộ Việt Minh. Tiếp sau, đồng chí Dương Bạch Mai- đại diện Xứ Uỷ phát biểu và long trọng tuyên bố: “Từ giờ phút này, chính quyền đã thuộc về tay nhân dân”. Sân vận động vang dậy tiếng hoan hô: Chính quyền về tay nhân dân, Việt nam độc lập muôn năm!”. Tỉnh trưởng Lâm Văn Huê từ chức, tuyên bố trao chính quyền cho cách mạng. Sau cuộc míttinh, đoàn người diễu hành quanh Vũng Tàu, tỏa về các xã, chiếm các công sở.
 
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Vũng Tàu thắng lợi không một tiếng súng nổ. Từ đây nhân dân Vũng Tàu trở thành người dân của một nước tự do độc lập.
 
                                                                      
Bài: Thái Bình 
BBT