An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Phòng chống bệnh tay - chân - miệng.
07:57 | 19/08/2014 Print   E-mail    

 

 
 
Bệnh TAY- CHÂN- MIỆNG (TCM) do siêu vi trùng đường ruột gây ra, là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch, có thể  gây  biến chứng nguy hiểm như:  viêm não - màng não, viêm cơ tim , phù phổi cấp dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách, kịp thời. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh TCM nhất là trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12 trong năm.
 
Bệnh TCM thường có các biểu hiện : triệu chứng đầu tiên là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày, sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát: Các mụn nước (có kích thước nhỏ từ 2 – 3 mm) ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt trên của lưỡi; Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm cho bệnh nhân khó ăn uống. Ban da xuất hiện trong vòng một đến hai ngày có màu đỏ, một số hình thành nên bọng nước thường khu trú ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Bọng nước sẽ tự xẹp đi và tự khỏi sau 5 đến 7 ngày. Một số trẻ có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bọng nước hay khi bọng nước đã xẹp.
 
Description: E:\taychanmieng.jpg
 
Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong vòng một tuần đầu bị bệnh, bệnh nhân còn có khả năng đào thải virus qua phân trong vòng vài tuần sau, do đó trong thời gian này nên cách ly bệnh nhân, không cho tiếp xúc với bất cứ ai nhất là đối với trẻ em từ 10 tuổi trở xuống. Không nên bôi, xức các loại thuốc lên các mụn nước hay vết lở của trẻ vì làm như vậy sẽ gây cho các bác sĩ khó chẩn đoán bệnh, cũng không nên cho trẻ uống thuốc kháng sinh vì thuốc kháng sinh không những không có tác dụng mà còn gây hại sức khỏe cho trẻ vì sẽ làm cho trẻ kháng thuốc, khó điều trị.
 
Bệnh TCM có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm nên các bậc cha mẹ không nên xem thường khi thấy các nốt nổi sần trên da của trẻ. Khi thấy trẻ sốt cao, ngủ ly bì, mê mệt, nôn ói nhiều, tay chân lạnh…thì các bậc cha mẹ phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
 
Hiện nay tác nhân virút gây ra bệnh TCM chưa có thuốc chủng ngừa, do đó cách phòng ngừa tốt nhất là các bậc cha mẹ hãy tự bảo vệ con em mình bằng cách:
 
- Hạ sốt, giảm đau: Dùng paracetamol 10 – 15 mg/kg cân nặng/ mỗi 4 – 6 giờ, chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38 oC trở lên.
 
- Sử dụng thêm các: Vitamin A, vitamin C, vitamin PP và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành.
 
- Chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng cho trẻ. Tránh làm vỡ các bọng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày, cắt móng tay móng chân cho trẻ.
 
- Rửa tay bằng xà bông và dưới vòi nước chảy trước khi ăn và sau khi đi tiêu, đi tiểu hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bị bệnh.
 
- Cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, đầy đủ chất dinh dưỡng và nhu cầu của trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước ( nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo…)
 
- Rửa sạch các các vật dụng, đồ chơi; lau sạch sàn nhà bằng chất sát khuẩn.
 
- Không dùng chung các đồ dùng ăn uống với bệnh nhân; vệ sinh răng miệng mỗi ngày cho trẻ bằng nước muối.
 
- Che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi; bảo đảm chỗ ở thoáng mát cho trẻ.
 
- Không cho trẻ bị bệnh đến những nơi công cộng như: trường học, chợ, hồ bơi, công viên.
 
Bài: Hoàng Yến
BBT.