An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Chấp hành luật giao thông là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội
07:11 | 11/07/2016 Print   E-mail    

 

Tai nạn giao thông, những va chạm khi tham gia giao thông đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội hiện nay. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông. Nhiều phong trào đã được phát động trên phạm vi cả nước như: “Tháng an toàn giao thông”, “Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu”… Tất cả những việc làm đó đều vì một mục đích mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Vì vậy chấp hành luật giao thông là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội.

Trên nhiều tuyến đường trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ở thành phố Vũng Tàu thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra những vụ va chạm giao thông, tai nạn giao thông làm thiệt hại về phương tiện, tài sản và có thể cướp đi sinh mạng con người. Chúng ta vẫn hay bắt gặp trên đường hình ảnh: người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm; người điều khiển phương tiện uống rượu, bia kể cả trong lúc lái xe ôtô, xe máy; thanh, thiếu niên chở ba, bốn người lạng lách, đánh võng. Các ngã ba, ngã tư, vẫn có người đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. 

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13615222_794442340656602_7218120967074689865_n.jpg?oh=353b0e4062775ed9b206bdf51c35c35f&oe=57FA27C0

Vụ va chạm khi tham gia giao thông tại số 04 Hoàng Hoa Thám TP Vũng Tàu sáng ngày 4/7/2016 

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng gia đình văn hoá, cơ quan văn hoá, làng, phố văn hoá mà trọng tâm là xây dựng con người văn hoá. Chấp hành luật giao thông là văn hóa giao thông, là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội. Chính vì vậy, mỗi chúng ta phải nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông để mang lại hạnh phúc cho chính mình, cho cộng đồng và góp phần xây dựng xã hội văn minh hơn, tốt đẹp hơn.

Không phải tự nhiên "An toàn Giao Thông" lại trở thành chủ đề nóng của xã hội. Thực tế chúng ta thấy vẫn còn nhiều người chưa ý thức được những nguyên tắc khi tham gia giao thông, chưa chấp hành đúng quy định. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do uống rượu, bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, lấn làn, lấn luồng, không chấp hành - thậm chí chống người thi hành công vụ. Đi khắp các nẻo đường gần xa khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành pháp luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình mình. Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và mọi người, việc chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông phải trở thành ý thức, thói quen của mọi người dân. Vì vậy việc tìm hiểu pháp luật về giao thông là vô cùng cần thiết. 

Nâng cao ý thức người tham gia giao thông là vấn đề quan trọng nhất của việc xây dựng văn hóa giao thông ở thành phố Vũng Tàu. Người tham gia không chỉ nắm và hiểu rõ luật mà còn phải tự thay đổi nhận thức, lối sống. Để có được ý thức tốt khi tham gia giao thông, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, góp ý kịp thời cho người dân để tránh những hành vi không hay khi va chạm. Bên cạnh đó, người dân cũng cần đề cao tinh thần ủng hộ, giúp đỡ các lực lượng làm công tác quản lý giao thông. Muốn vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin, tài liệu để người dân nhận thức đầy đủ về văn hóa giao thông, trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.

Để người dân có ý thức chấp hành luật giao thông cần xây dựng ý thức bao dung, nhường nhịn, chia sẻ khi tham gia giao thông. Ý thức chấp hành luật giao thông là thể hiện phong cách lịch sự, văn minh, xóa bỏ thói quen xấu, tùy tiện, từng bước hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Thực tế cho thấy tình trạng từ việc va quệt giữa những người tham gia giao thông dẫn tới những xô xát lớn, thậm chí xảy ra án mạng là một dấu hiệu đáng báo động về ý thức chấp hành luật giao thông. Qua đó cũng có thể nhận thấy, một trong những điểm cốt lõi trong ý thức chấp hành luật giao thông chính là hành vi tôn trọng và nhường nhịn nhau khi lưu thông trên đường.

Để hình thành ý thức chấp hành luật giao thông, các cơ quan chức năng cần có chiến dịch truyền thông sâu và dài hơi về an toàn giao thông, phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng trong xã hội. Bên cạnh việc giáo dục pháp luật về giao thông, cần đặc biệt chú trọng  hướng dẫn các kỹ năng giao thông an toàn để giúp người dân biết cách tự phòng vệ trước hiểm hoạ tai nạn giao thông. Cần có hệ thống hỗ trợ về an toàn giao thông trên các tuyến đường trọng điểm như tổ chức mạng lưới tiếp nhận tin báo tai nạn giao thông, dịch vụ cứu hộ, cứu nạn giao thông có khả năng đáp ứng yêu cầu nhanh chóng và hiệu quả. Thiết lập trật tự an toàn giao thông, xây dựng ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông vừa phải cấp bách như phòng chống dịch vừa cần các biện pháp kiên trì, bền bỉ, thiết thực chứ không chỉ là hô hào chung chung hay những việc làm hình thức, mang tính thời vụ. Và có thể thấy rằng chấp hành luật giao thông là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT